Chăm sóc răng miệng cho mẹ bầu là điều vô cùng quan trọng mà các mẹ bầu và gia đình cần quan tâm để có một thai kỳ khỏe mạnh và toàn diện.
Theo BSCKI. Hoàng Võ Thanh Mai, bác sĩ điều trị, phụ trách phòng khám Răng-Hàm-Mặt, khoa Khám bệnh Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển toàn diện là điều các mẹ bầu luôn mong muốn. Bên cạnh việc tập trung chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe thai kỳ, hành trang chuẩn bị chào đón bé yêu chào đời, các mẹ cũng cần quan tâm, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bản thân mình.
Vấn đề tưởng nhỏ này cũng quan trọng không kém đối với sức khỏe của mẹ và bé, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu các vấn đề sức khỏe răng miệng cần thiết cho phụ nữ mang thai nhé!
-
Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh răng miệng
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân, đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Khi mang thai, hormone trong cơ thể mẹ có nhiều biến đổi cộng với những xáo trộn trong thói quen sinh hoạt hằng ngày khiến mẹ bầu dễ mắc các bệnh răng miệng (sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,…) hơn bình thường. Vì vậy, các mẹ bầu cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe răng miệng, giúp phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh răng miệng trong thời kỳ thai nghén.
-
Những vấn đề răng miệng hay gặp ở phụ nữ mang thai
Viêm nướu
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể ảnh hưởng không tốt đến nướu răng của mẹ bầu và có thể gây ra viêm nướu – tình trạng sưng tấy, viêm nhiễm, chảy máu ở vùng nướu răng, gây ra không ít khó chịu. Viêm nướu nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu, một dạng bệnh nướu nghiêm trọng hơn với tình trạng: tụt nướu, tiêu xương, răng lung lay,… Đặc biệt, tăng sinh ở mô nướu, có thể phát triển do thay đổi nội tiết khi mang thai dẫn đến hình thành u nướu.
Sâu răng
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu sẽ có ít nhiều những thay đổi trong chế độ ăn uống như: tăng ăn vặt, ăn nhiều thức ăn ngọt, giàu tinh bột,… những điều này có thể dẫn đến tình trạng tạo mảng bám quanh chân răng, gây nên sâu răng.
Nghén cũng có một số tác động đến răng miệng, axit dạ dày trào lên miệng có thể làm suy yếu men răng, khiến mẹ bầu có nguy cơ sâu răng cao hơn.
Ngoài ra, môi trường pH trong khoang miệng thay đổi nhiều trong thai kỳ, làm giảm khả năng bảo vệ, khiến răng miệng dễ gặp nhiều bệnh lý, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập cơ thể hơn.
-
Nguy cơ khi không chăm sóc răng miệng ở phụ nữ mang thai
Tăng nguy cơ sinh non
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, phụ nữ mang thai bị viêm nướu, viêm nha chu sẽ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non gấp 2-3 lần, dễ bị tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân. Khi mẹ bị viêm lợi, viêm nha chu, trong miệng sẽ xuất hiện một số vi khuẩn có hại, khi vi khuẩn phát triển quá mức trong miệng mẹ, chúng có thể xâm nhập vào máu qua nướu và di chuyển đến tử cung, vào nhau thai, làm tăng nồng độ sinh lý trong dịch ối, gây chuyển dạ sớm, sinh non, sinh nhẹ cân.
Tăng nguy cơ sâu răng cho bé khi chào đời
Nếu vấn đề chăm sóc răng cho phụ nữ mang thai không được xem trọng, mẹ bầu bị sâu răng thì sẽ kéo theo nhiều vấn đề ngay cả sau khi sinh con. Tháng 6-7 sau sinh, răng sữa của bé bắt đầu nhú ra khỏi nướu. Nếu mẹ có nhiều răng sâu thì vi khuẩn gây sâu răng sẽ lây truyền từ miệng mẹ qua bé thông qua việc hôn bé, bón thức ăn cho bé,… Những em bé này có nguy cơ sâu răng sớm rất cao. Vì thế, việc giữ vệ sinh răng miệng không chỉ tốt cho mẹ mà còn quyết định sức khỏe răng miệng của bé sau này.
-
Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ mang thai như thế nào?
Tuy biết rằng trong giai đoạn mang thai các mẹ bầu rất mệt mỏi, nhất là khi bị ốm nghén, có thể gần như kiệt sức. Nhưng mẹ bầu vẫn cần thực hiện đầy đủ các quy trình chăm sóc răng miệng đúng cách để phòng tránh sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,…
Giữ vệ sinh răng miệng đầy đủ
– Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày (sáng,tối) với bàn chải lông mềm.
– Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride
– Thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3 tháng
– Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày
– Súc miệng sạch sau khi ăn.
– Trong giai đoạn ốm nghén, sau mỗi lần bị nôn mẹ cần súc miệng lại bằng nước sạch để giảm axit có trong miệng.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý
Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ về số lượng và chất lượng. Chế độ ăn uống cân bằng đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa ăn, ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe và sự phát triển thai nhi. Đặc biệt là phải bổ sung thêm các khoáng chất như canxi, photpho,… và hạn chế đồ ăn quá ngọt, đồ uống có gas để răng không bị suy yếu.
Khám nha khoa thường xuyên
Trong thai kỳ, các mẹ bầu vẫn nên duy trì thói quen khám nha khoa thường xuyên. Nhất là khi thấy có những dấu hiệu bất thường về răng miệng như: sưng lợi, đau răng, chảy máu chân răng,…
Khám răng thường xuyên sẽ giúp các mẹ bầu kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường về răng miệng để xử trí kịp thời.
-
Lưu ý khi điều trị bệnh về răng miệng cho phụ nữ mang thai
Khi có những biểu hiện về viêm nướu, sâu răng,… các mẹ bầu cần được điều trị kịp thời, đúng cách. Có thể lưu ý những phương pháp điều trị sau đây:
Lấy cao răng thường xuyên
Cao răng là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn gây hại và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những bệnh nguy hiểm về răng miệng. Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cũng nên lấy cao răng thường xuyên 3-6 tháng một lần.
Điều trị bệnh răng miệng đúng cách
Với những mẹ bầu bị các bệnh viêm nhiễm vùng răng miệng thì cần phải được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc hay các phương pháp điều trị dân gian.
Chăm sóc răng cho mẹ bầu là điều vô cùng quan trọng để các mẹ bầu tránh được những vấn đề lớn về răng miệng. Mẹ bầu không nên chủ quan với sức khỏe răng miệng của mình. Chăm sóc răng miệng ngay từ sớm và thực hiện các giải pháp phòng ngừa là yếu tố cần thiết để mỗi mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Lựa chọn thời điểm thích hợp để điều trị răng miệng
Khi có những dấu hiệu viêm nhiễm cần được điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên cần lựa chọn thời điểm can thiệp thích hợp nhất. Quyết định điều trị cần được xem xét kỹ lưỡng trong 3 tháng đầu. Nên thực hiện các giải pháp điều trị vào thời điểm tháng thứ 5-7 của thai kỳ.
Xem thêm: https://songdeptv.vn/dieu-ky-dieu-da-xuat-hien-voi-san-phu-bi-nhau-bong-non/