Người mắc COVID-19 và hậu COVID-19 hoặc các bệnh hô hấp cần tập thở sao cho đúng? Cùng nghe BSCKI Lê Thị Ngọc Diệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức giải đáp thắc mắc và hướng dẫn tập thở để cải thiện hệ hô hấp.
Tại sao cần tập thở?
Vấn đề hô hấp hiện nay cũng được xem là một vấn đề thời sự, COVID-19 mới vừa xuất hiện 2 năm nay nhưng hậu quả để lại lại hết sức nặng nề. Những bệnh về hô hấp nói chung như là COVID-19, viêm phế quản, hen hay COPD,… thì sẽ có những đợt cấp rồi trở nặng khi gặp điều kiện thuận lợi. Nếu không tập luyện, bệnh sẽ để lại những hậu quả hết sức nặng nề.
BSCKI Lê Thị Ngọc Diệp cho biết, một trong những triệu chứng về bệnh COVID bác sĩ gặp nhiều nhất khi người bệnh tới khám là mệt mỏi kéo dài, khó thở, hụt hơi hoặc là ho dai dẳng,… Tất cả những triệu chứng này có thể được can thiệp một hiệu quả bằng cách tập thở.
Theo bác sĩ Diệp, người bệnh có thể tự tập thở tại nhà với nhiều tư thế như tư thế nghỉ ngơi, tập ở trên ghế, trên giường, hay tập kết hợp với những cái chương trình tập thể thao vận động mà lúc trước bệnh nhân đã từng tham gia. Mục đích của các bài tập thở là tăng lượng không khí vào phổi và giữ lại lượng không khí này tại phổi lâu hơn để giúp cơ thể hấp thu đủ lượng ô-xy, cải thiện tình trạng khó thở.
Những bài tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ
Những bài tập được phân ra thành ba bài tập lần lượt là thở chúm môi, thở ngực và thở bụng, được thực hiện ở đa dạng tư thế là ngồi, nằm hoặc đứng. Trong trường hợp người bệnh bị tiết đờm nhiều, sẽ kết hợp thêm bài tập thở chu kì chủ động và kĩ thuật ho để bệnh nhân có thể ho chủ động.
Kiểu thở chúm môi: Hít vào thật sâu từ từ bằng mũi (đếm 1,2), sau đó chúm môi rồi từ từ thở ra cho đến hết khả năng (đếm 1,2,3,4).
Kiểu thở ngực: Người bệnh bắt đầu với tư thế nằm ngửa hoặc ngồi. Để 1 tay lên trên ngực, mũi hít vào thật chậm, ngực phình lên, sau đó thở ra bằng miệng với khẩu hình tương tự như huýt sáo, xẹp ngực xuống. Nên thực hiện bài tập từ 10-20 lượt/lần, tập từ 2-3 lần/ đợt và làm 2-3 đợt/ngày.
Kiểu thở bụng: Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng, hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (cảm nhận tay ở bụng đi lên), sau đó chum môi lại thở ra từ từ, bụng xẹp xuống (cảm nhận tay ở bụng đi xuống).
Về bài tập kĩ thuật ho chủ động, bác sĩ hướng dẫn theo các bước như sau:
- Thở chúm môi thở từ 5-10 phút để đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra phế quản lớn.
- Tròn miệng hà hơi từ 5-10 lần, tốc độ tăng dần. Việc này giúp đầy đờm ra khí quản.
- Hít một hơi thật sâu, nín thở trong 2 giây, rồi ho liên tiếp 2 lần (lần 1 ho nhẹ, lần 2 ho mạnh) để đẩy đờm ra ngoài.
Trên đây là những kĩ thuật tập thở đơn giản và có thể thực hiện tại nhà. Hãy cố gắng tập thở để cải thiện hệ hô hấp của mình nhé!
Xem thêm: 5 loại chấn thương khớp vai do chơi thể thao phổ biến nhất – Sống Đẹp TV (songdeptv.vn)