Một phong cách thời trang đỉnh cao không ai sao chép được thời bấy giờ
Xem thêm:
Nhắc đến biểu tượng thời trang Việt Nam, bên cạnh Nam Phương Hoàng Hậu, người ta còn nhắc đến cái tên Trần Lệ Xuân. Nổi tiếng là người đàn bà tài sắc cũng không kém phần thị phi nhưng người ta phải công nhận rằng bà Nhu như một quyển tạp chí cao cấp sống động của nền thời trang Việt Nam trong giai đoạn những năm 50-60 của thế kỷ trước. Bà Nhu như đẩy hình ảnh của người phụ nữ quyền lực và phóng khoáng lên đỉnh cao của một thời kỳ còn tồn tại nhiều quan niệm xưa cũ và hiện hữu như một huyền thoại thời trang trường tồn đến ngày nay.
Quý bà Trần Lệ Xuân hay còn gọi là Madam Nhu là ai?
Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Hà Nội, trong một gia đình có bố là luật sư và mẹ xuất thân hoàng thế (là cháu gái ruột của vua Đồng Khánh, em họ của vua Bảo Đại) nên có thể nói bà là một tiểu thư “lá ngọc cành vàng” chính hiệu.
Năm 1943, bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu – cố vấn chính trị cũng là em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm thời Việt Nam Cộng hoà. Đây cũng là nguồn gốc của cái tên Madam Nhu hay bà Ngô Đình Nhu mà người ta hay dùng để gọi bà thay vì tên khai sinh.
Bà Trần Lệ Xuân nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp cùng tài ăn nói cũng như quyền lực bà nắm trong tay, nhưng ít ai biết bà có một tuổi thơ không mấy vui vẻ. Dù là tiểu thư của một gia đình quyền quý nhưng bà lại được sinh ra trong hoàn cảnh mà gia đình đang mong ngóng sự hiện diện của một cậu con trai nối dõi nên khi chào đời, gia đình, kể cả bố mẹ đã không một chút để tâm đến bà.
Có thể nói, Trần Lệ Xuân phải chịu cảnh phân biệt đối xử từ cha mẹ và chị gái, em trai trong nhà do sự hiện diện trái kỳ vọng của gia đình. Đến tận khi trưởng thành, bà vẫn đau đáu câu chuyện bị gia đình phân biệt vì là một đứa con gái.
Cuộc đời Madam Nhu vốn lắm điều tiếng và những lời bàn tán xầm xì từ người đời do người chồng cũng như bản thân bà tự mang đến. Tuy vậy, người ta vẫn nhớ đến bà như một biểu tượng của sự thanh lịch, phóng khoáng, quyền lực và phong cách thời thượng vượt thời gian.
Biểu tượng thời trang thành thị của thế kỷ XX
Bà Ngô Đình Nhu luôn xuất hiện trước công chúng trong hình ảnh chỉn chu, tinh tế nhưng không hề quy củ mà còn mang nhiều nét độc đáo chỉ bà mới nghĩ ra. Điều này tạo nên một làn sóng cải tiến phong cách ăn mặc của phụ nữ miền Nam Việt Nam trong thời kỳ xã hội đang có nhiều biến động.
Mang gương mặt xinh đẹp của một người phụ nữ Á Đông nhưng bà lại toát ra thần thái bí ẩn và diễm lệ của một người đàn bà quyền lực phương Tây. Chính sự giao hòa này đã tạo nên một biểu tượng quý bà Trần Lệ Xuân độc nhất vô nhị tồn tại bền vững trong tâm trí của những người yêu cái đẹp dẫu là ở bất kỳ thời đại nào.
Ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất trong mắt đông đảo quần chúng về sự táo bạo trong phong cách của Trần Lệ Xuân đồng thời đẩy trào lưu cách tân lên đến đỉnh điểm chính là kiểu áo dài cổ thuyền do đích thân bà lên ý tưởng và cho ra mắt trình diễn công khai tại Sài Gòn mà đến nay người ta vẫn gọi với cái tên “áo dài bà Nhu” hay “áo dài Trần Lệ Xuân”.
Lúc bấy giờ, áo dài cổ thuyền nhận phải rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng kiểu áo này đi ngược lại với thuần phong mỹ tục so với áo dài cổ cao truyền thống. Dẫu vậy, nó lại tạo nên một cơn sốt trong nữ giới Sài Gòn vì sự quyến rũ nhưng cũng không kém phần truyền thống mà nó thể hiện được trên cơ thể người phụ nữ. Kể từ đó, kiểu áo này được lăng xê dữ dội để trở thành một nét văn hoá khác biệt, không lẫn đi đâu được của Việt Nam.
Cách phối áo dài của Madam Nhu với găng tay, túi xách, trang sức… tạo nên hình ảnh đặc biệt về một người phụ nữ tao nhã, sang trọng trong chính tà áo dài Việt Nam.
Hình ảnh mang tính biểu trưng trường tồn với thời gian
Bỏ qua những điều tiếng về đời tư thì Trần Lệ Xuân chính xác là một cuộc cách mạng trong đời sống tinh thần của phụ nữ Việt Nam thời điểm này. Sự táo bạo, độc đáo mà bà thể hiện như khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội bấy giờ, cho họ can đảm thể hiện được cái tôi cá tính qua cách ăn mặc, qua từng cái áo, từng chiếc váy, kể cả qua thứ truyền thống nhất như áo dài.
Bởi thế cho nên dù trong giai đoạn nào, thời kỳ nào, Madam Nhu vẫn sẽ là một trong những cái tên mà người ta nhắc đến đầu tiên khi được hỏi về biểu tượng của thời trang Việt Nam với một cách đầy trân trọng. Hình ảnh một quý bà Trần Lệ Xuân phong cách, tinh tế và quý phái vẫn sẽ tiếp tục hiện lên mỗi khi người ta nhắc đến bà và cuộc đời quyền uy của mình dù đã trôi qua rất lâu kể từ thời kỳ đỉnh cao ấy.
Lút Ham