“Phái mạnh, phái yếu”, quan niệm cũ kỹ?

by Lút Ham

Cấu trúc sinh học không quyết định nên tổng thể một con người

Xem thêm:

Xưa nay, người ta dùng hai từ “phái mạnh” và “phái yếu” để nhắc đến đàn ông và đàn bà. Tuy nhiên, ở thời đại nam nữ ngang nhau về vị thế, người ta mới bắt đầu bàn luận về câu chuyện: “Phái mạnh”, “phái yếu” có còn nên được dùng để nói về nam và nữ phân biệt như thế nữa hay không?” 

“Phái mạnh” và “phái yếu” từ đâu mà ra?

Từ thuở xa xưa, con người chúng ta sinh sống bằng cách săn bắt, hái lượm, rồi đến trồng trọt, chăn nuôi. Những hoạt động sinh tồn đòi hỏi con người phải thích nghi bằng cách có một cơ thể rắn rỏi và khỏe mạnh. 

Đàn ông sinh ra vốn dĩ có hình thể cao lớn, rắn chắc hơn hẳn phụ nữ, nên trong giai đoạn ấy, người đàn ông đảm nhiệm vai trò là trụ cột, thực hiện những công việc nặng nhọc để chăm lo cho gia đình bằng chính sức mạnh mà tạo hoá ban cho. 

Về phụ nữ, vốn sinh ra với hình thể nhỏ nhắn hơn, sức mạnh cơ thể cũng ít hơn đàn ông, nên những công việc như bắt thú, săn mồi hay giai đoạn sau là cày ruộng, làm rẫy, người phụ nữ cũng tạo ra năng suất thấp hơn hẳn đàn ông. Hơn thế nữa, với vai trò làm mẹ, mỗi đứa trẻ sinh ra chiếm hơn 9 tháng 10 ngày để lao động, phụ nữ đã yếu hơn về thể chất, nay lại càng yếu đuối hơn. 

Vì những sự khác nhau rõ rệt ấy, người ta dùng hình dung về sức mạnh cơ bắp để phân chia đàn ông và phụ nữ vào hai cấp bậc rõ ràng trong xã hội và quan niệm “phái mạnh”, “phái yếu” để chỉ đàn ông, đàn bà cũng từ đây mà hình thành.

Phụ nữ cũng có quyền được là “phái mạnh”

Quan niệm đàn ông luôn mạnh mẽ, đàn bà luôn mềm yếu, “mình hạc xương mai” có chăng chỉ là thành kiến mà xã hội đã quy chụp lên giới tính của con người?

Định kiến đàn bà mềm yếu và sự không xem trọng của xã hội là thứ đã kiềm chân những người phụ nữ. Họ tự tôn, mạnh mẽ, ngoan cường cùng với sự tinh tế và hoài bão lớn lao, chẳng qua họ không có cơ hội được thể hiện để chứng minh giá trị của bản thân mình. Khi có được cơ hội, chính sự dung hòa giữa mềm mại và rắn rỏi mà bản thân người phụ nữ có được sẽ giúp họ làm nên việc lớn

"Phái mạnh, phái yếu", quan niệm cũ kỹ?

Mềm mỏng và dịu dàng, không có nghĩa là yếu đuối. Ảnh: Lút Ham

Đơn cử một vài ví dụ, sử ta ghi lại rất nhiều nữ anh hùng như Hai Bà Trưng – Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu – Triệu Thị Trinh đứng lên giành bờ cõi, chỉ huy quần chúng thoát khỏi áp bức hà khắc hay những người phụ nữ học rộng hiểu cao, giỏi tài chính trị như Thái hậu Ỷ Lan thời vua Lý Thánh Tông hai lần buông rèm nhiếp chính điều hành cả một bộ máy triều đình. 

Chưa bao giờ khuất phục, mỗi thời nữ cường lại thể hiện bản lĩnh khác khác. Có thể kể đến những người phụ nữ như bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air hay Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên, đại diện cho giai đoạn phụ nữ có được sự tôn trọng của xã hội để sẵn sàng bước ra biển lớn, ngồi bàn trà đàm đạo với những nhà kinh tế hàng đầu, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới một cách đầy tự hào. 

Nói như thế để biết rằng, khi được trao cho cơ hội và sự tin tưởng, người phụ nữ cũng có thể được gọi “phái mạnh”, mà mạnh ở đây không phải về sức mạnh thể chất, mà là sức mạnh của trí tuệ, ý chí và ước mơ, hoàn toàn không kém cạnh những người đàn ông mạnh mẽ nhất.

Vì sao “đàn ông không được khóc”?

“Đàn” nào thì cũng là con người với các trạng thái cảm xúc giống nhau. Đàn ông có lúc cũng sẽ khổ sở, chật vật vì sự quy chụp của người đời về hai tiếng “phái mạnh”. Vì quan niệm đàn ông là phải dũng mãnh, không được yếu mềm mà mặt yếu đuối của người đàn ông cũng không được chấp nhận. 

Chắc chắn không ít lần ta nghe được những câu nói đại loại như “Đàn ông sao phải khóc”, “Đàn ông gì mà khóc lóc như đàn bà vậy!”. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là: “Tại sao đàn ông lại không được khóc?”

"Phái mạnh, phái yếu", quan niệm cũ kỹ?

Cảm xúc là thứ không phân biệt giới tính. Ảnh: Lút Ham

Về bản chất, chúng ta sinh ra đều là con người, mà đã là con người thì đều phải trải qua hỉ, nộ, ái, ố của thế gian này như nhau. Người phụ nữ có thể gục ngã và bật khóc trước những điều khổ đau một cách tự do, thoải mái, vậy tại sao nam giới thì không? Đó vốn là cảm xúc bình thường của một con người.

Đàn ông có thể có sức lực khỏe mạnh, cường tráng, nhưng ẩn trong đó là một trái tim đa cảm, dễ yếu lòng, đó cũng là điều hết sức dễ hiểu vì trong con người có thể chứa đựng nhiều xúc cảm. Xã hội liệu có quá khắt khe khi quy định phái mạnh không được quyền biểu lộ cảm xúc thật của mình

Ta chưa bàn đến người vốn sinh ra với hình ảnh của nam giới nhưng tồn tại bản ngã phụ nữ trong mình. Đây là lúc quan niệm về phái mạnh trong mắt người đời còn gây nên sự khổ sở tột cùng nhất. Con người mưu cầu được sống đúng với bản ngã, với cái tôi của chính mình nhưng hà khắc, cổ hủ, định kiến đã kìm hãm người ta trở về với đúng bản chất con người mình mong muốn. 

Người đời cứ luôn miệng nói rằng đàn ông phải mạnh mẽ, phải gánh vác giang sơn, phải tai to mặt lớn, nhưng bên trong một số người đàn ông, tồn tại một người phụ nữ muốn được thể hiện sự yếu đuối, sự nhẹ nhàng và mong muốn buông bỏ cái vỏ bọc mạnh mẽ mà tạo hoá đã “khoác nhầm” lên mình. Những lúc này, phái mạnh hay phái yếu không còn rạch ròi tường tỏ như cách người ta nghĩ nữa. 

"Phái mạnh, phái yếu", quan niệm cũ kỹ?

Những quan niệm “không hợp thời” đến lúc sẽ không còn đủ để định nghĩa về giới.
Ảnh: Lút Ham

Hiện tại, xã hội đã dễ dàng cởi mở về vấn đề đa dạng tính dục nhưng ta phải thừa nhận rằng, trong thời kỳ nào, tại thời điểm nào, vấn đề này vẫn luôn tồn tại. Vậy mới nói rằng, không phải cứ xuất hiện với hình ảnh của một người đàn ông thì con người ta không được bộc lộ sự đa cảm đúng với chính mình. Đàn ông thì cũng được quyền yếu đuối như đúng cách mà con người tồn tại trên cuộc đời và được thể hiện đúng với cái tôi của mình một cách trọn vẹn.

Kết lại

Người ta cứ bàn tán suốt về câu chuyện “phái mạnh”, “phái yếu”. Tuy vậy, vốn dĩ trong cuộc sống này không có gì gọi là tuyệt đối cả. Phái mạnh hay phái yếu cũng không còn phân trắng đen rõ ràng như nó vốn dĩ như vậy trong suốt chiều dài phát triển của xã hội loài người nữa. Phụ nữ có thể là phái mạnh, đàn ông có thể là phái yếu, đây là một sự thật hiển nhiên mà ai cũng có thể nhìn thấy được. 

Cá nhân tôi – một nữ GenZ cho rằng việc của một con người hiện đại, tử tế cần làm chính là yêu thương và trân trọng sự mạnh mẽ cũng như yếu đuối mà những người xung quanh ta đang thể hiện, dù họ là nam hay nữ, vì lúc này chính là lúc họ được sống hết mình vì bản ngã của riêng mình mà không bị kìm kẹp bởi những định kiến gây nhiều khổ đau. 

Chúng ta cũng cần thấu hiểu và đồng cảm với những trăn trở, áp lực mà cả hai giới đang phải đối mặt. Lắng nghe và hỗ trợ nhau, chứ không phải chỉ nhìn vào giới tính và lập tức kết luận về sự mạnh mẽ hay yếu đuối của người đó.

Thứ hình thành nên giá trị con người là năng lực và phẩm chất của họ, kết cấu sinh học chỉ là vẻ bề ngoài. 

Lút Ham

You may also like

Leave a Comment