Hành trình vượt cạn kỳ diệu của sản phụ bị nhau bong non

by Thư Quỳnh

Giữa đêm khuya, điều kỳ diệu đã xuất hiện tại phòng sinh sau hành trình “vượt cạn” đầy nỗ lực, sinh mệnh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời trong vô vàn hiểm nguy vì sản phụ bị nhau bong non.

Hơn 23 giờ đêm, tại phòng mổ, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, bác sĩ Phương cùng những người cộng sự của mình căng thẳng tột độ khi em bé vừa chào đời dính đầy phân su, mắt nhắm chặt không chút động tĩnh. Ngay lập tức, các bác sĩ cùng phối hợp hồi sức, cấp cứu cho sinh mệnh bé nhỏ đang nằm trong tay. 

“Bác Phương ơi! Bé nó mở mắt rồi!” – bác sĩ Hồi sức Nhi sơ sinh như muốn hét lên thông báo trong sự vui mừng.

Sau một phút được các bác sĩ thực hiện hồi sức, cấp cứu, bé gái kiên cường cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc vang vọng trong căn phòng đêm ấy đan xen với tiếng cười và tiếng thở phào nhẹ nhõm của ekip thực hiện ca mổ.

Bác sĩ Mai Phương đến thăm hỏi mẹ con sản phụ sau “hành trình vượt cạn” đầy kỳ diệu

Hành trình “vượt cạn” của sản phụ bị nhau bong non

BSCKI. Mai Phương, người thực hiện ca mổ cho sản phụ L.T.H. cho biết, lúc chị H đến Bệnh viện để khám, thai nhi trong bụng đã được 36 tuần 6 ngày và có dấu hiệu chuyển dạ. Ban đầu chị H được đưa vào nhập viện để theo dõi sinh thường. Nhưng sau 15 phút theo dõi, bụng chị H đột nhiên bị gồng cứng, xuất hiện nhiều cơn gò, phát hiện có huyết đỏ sẫm ra lượng vừa khi kiểm tra âm đạo, bác sĩ Phương ngay lập tức nghĩ đến tình trạng nhau bong non.

Tình trạng này xảy ra khi nhau thai tách một phần hoặc hoàn toàn khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Vì nhau thai có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng và ôxy cho thai nhi nên nhau bong non sẽ khiến thai nhi không nhận được ôxy và dưỡng chất. Đây sẽ là mối nguy cho sản phụ và thai nhi, trong nhiều trường hợp, nếu không kịp thời xử lý sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn con.

Bác sĩ Phương chia sẻ: “Điều cấp thiết nhất lúc đó là làm sao để thật nhanh chuyển sản phụ vào phòng mổ. Nếu chậm trễ, tôi lo rằng sẽ… không kịp”.

Vậy là, một quy trình ưu tiên đã được kích hoạt.

Sản phụ và bé được phẫu thuật trong giai đoạn dịch COVID-19, các phẫu thuật viên phải mặc đồ phòng hộ kỹ lưỡng

Để sẵn sàng trong mọi tình huống, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã thiết lập hệ thống các quy trình theo từng cấp độ: Cấp cứu, Tối khẩn và Báo động đỏ, nhằm đảm bảo người bệnh được can thiệp y tế kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Ngay sau khi có kết quả chẩn đoán, trường hợp của chị H nhanh chóng được khởi động quy trình mổ tối khẩn. Tuy sản phụ vẫn chưa có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR SARS-CoV-2 vì thời gian cấp bách, nhưng nhờ Bệnh viện đã có kinh nghiệm trong việc điều trị cho cả người bệnh mắc COVID-19 lẫn không mắc COVID-19 nên ca mổ vẫn được tiến hành nhanh chóng và an toàn.

“Chỉ cần chậm 2 phút thôi thì có lẽ cả người mẹ và bé đã không cứu được vì sản phụ bị nhau bong non” – bác sĩ Phương khẳng định

“Điều kỳ diệu” đã xuất hiện tại phòng sinh 

Chỉ trong vòng 5 phút từ vết cắt đầu tiên, bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa, việc mổ lấy thai đã hoàn thành. Tuy nhiên, ngay thời điểm ấy, chưa kịp vui mừng thì sự căng thẳng lại ngập tràn khi em bé chào đời mà không cất tiếng khóc.

Bác sĩ Phương kể, lúc vừa mới bế ra, người bé mềm nhũn, gần như mất hết trương lực cơ, trên thân thể dính đầy nước ối kèm lẫn với phân su và máu. Thời khắc đó, trái tim người bác sĩ như chậm lại một nhịp vì lo lắng. Nhưng bằng chuyên môn của mình, bác sĩ Mai Phương cùng các y bác sĩ trong ekip thực hiện ca mổ đã lập tức kiểm soát được cảm xúc để nhanh chóng cấp cứu và hồi sức cho bé. 

Sau nhiều nỗ lực của các bác sĩ, em bé bắt đầu mở mắt và cất tiếng khóc chào đời. Thở phào nhẹ nhõm, bác sĩ Phương cùng ekip của mình lúc này mới có thể an tâm và hoàn thành những công đoạn còn lại của ca phẫu thuật. Em bé đầy kiên cường được chuyển sang đơn nguyên sơ sinh để theo dõi theo hướng suy hô hấp trên nhiễm trùng sơ sinh. Sau khoảng 12 tiếng được theo dõi và chăm sóc, tình trạng sức khỏe của bé tiến triển tốt hơn và được chuyển về nằm cùng với mẹ.

Hành trình vượt cạn của sản phụ bị nhau bong non

Ôm con gái bé bỏng của mình trên tay, sản phụ mạnh mẽ ấy vẫn còn nghẹn ngào, xúc động khi kể về hành trình “vượt cạn” của mình

Chị H. chia sẻ rằng bản thân biết rõ mình và con phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi không may rơi vào một tình trạng nhau bong non. Chị càng lo lắng hơn khi mình chuyển dạ ngay lúc nửa đêm. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện vẫn tận tâm chăm sóc, nhanh chóng giải quyết mọi thủ tục để lập tức đưa chị vào phòng mổ thì chị đã yên tâm hơn rất nhiều.

Sau khi tỉnh dậy, không nhìn thấy con mình, nỗi lo lắng lại lần nữa xuất hiện trong tâm trí chị H. Tuy đã được bác sĩ thông báo rằng con đang được hồi sức và tiến triển tốt, có vui mừng nhưng tâm trạng người mẹ trẻ vẫn cứ thấp thỏm, bất an. Đến khi tận mắt nhìn thấy con mình bình an, được tận tay ôm con, cho con bú, chị H mới thực sự vỡ òa hạnh phúc.

“Từ bác sĩ cho tới điều dưỡng của Bệnh viện đều rất là chu đáo luôn! Em cảm ơn bác sĩ Phương và tập thể ekip bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức nhiều lắm! Nhờ các bác sĩ mà mẹ con em mới được bình an” – chị L.T.H xúc động chia sẻ.

 Niềm hạnh phúc của người bác sĩ hơn 10 năm làm “cha đẻ”

Được mẹ tròn con vuông đương nhiên là niềm hạnh phúc to lớn của sản phụ và gia đình. Nhưng bên cạnh đó, còn là niềm vui tột cùng những người làm công việc “bảo hộ sản phụ vượt cạn”. 

Suốt hơn 10 năm hành nghề, thực hiện hơn 1000 ca sanh, bác sĩ Mai Phương luôn cố gắng hết sức có thể để giúp các sản phụ thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong những lần “vượt cạn” và đưa những em bé đến với thế giới một cách khỏe mạnh, bình an.

Bác sĩ Phương trầm ngâm chia sẻ: “Mỗi lần vô ca mổ, tôi thường nghĩ đến vợ của mình, nghĩ đến những thiệt thòi và hy sinh của cô ấy. Những lúc như vậy, tôi xem sản phụ như vợ mình để chăm sóc thật chu đáo và thấu hiểu họ nhiều hơn”. 

Trong mỗi ca sanh của mình, vị “cha đỡ” ấy luôn cố gắng nhẹ nhàng trấn an, hài hước đùa giỡn để giúp sản phụ thoải mái và bớt căng thẳng hơn. Không ít lần, vì đau quá mà sản phụ còn mắng luôn cả bác sĩ, nhưng bác sĩ Phương chẳng chút phiền lòng mà lại xem điều đó là niềm vui vì có thể giúp sản phụ giải tỏa bớt tâm trạng và cơn đau đẻ.

Sau những lần như vậy, nhìn thấy một sinh mệnh nhỏ bé chào đời, nhìn thấy sản phụ bình an “vượt cạn”, tất cả mệt mỏi vì đứng lâu trong ca mổ dường như tan biến hết. Những sản phụ sau khi khỏe lại cũng gửi rất nhiều lời cảm ơn đến bác sĩ Phương, nhiều người còn giới thiệu người thân, bạn bè của mình đến nhờ vị bác sĩ “mát tay” đỡ đẻ. Tình yêu và sự gắn bó với nghề “cha đỡ” của bác sĩ Phương vì lẽ đó mà ngày càng sâu nặng hơn.

https://songdeptv.vn/1583-2/

You may also like

Leave a Comment