Dịp lễ, Tết chúng ta rất dễ gặp “văn hóa ép rượu bia” hay những câu mời quen thuộc “Năm có mấy dịp đâu, Tết thì nhậu hết mình đi chứ”, những tình huống khó này dễ khiến chúng ta rơi vào trạng thái sử dụng rượu bia quá mức. Việc này tất nhiên có tác hại rất nhiều.
Xem thêm:
Từ rất lâu rồi, trong không khí đón xuân, ly rượu chúc Tết dần trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam. Từ rượu gạo truyền thống, đến lon bia hay chai rượu ngoại, mọi người nâng ly để gửi lời chúc thân tình, mở đầu câu chuyện thân thương. Uống một chút để du xuân chúc Tết có nhiều lợi ích nhưng uống bia rượu quá mức để lại nhiều tác hại khôn lường.
Vậy uống rượu bia quá mức có tác hại thế nào? “Nghệ thuật” nào để tránh bị say khi nâng ly mừng năm mới, BS.Nguyễn Hữu Hiệu, khoa Hồi sức Cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chia sẻ đến với mọi người vài thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.
Uống rượu bia quá mức có tác hại thế nào?
Những đồ uống chứa cồn sau khi tiêu thụ sẽ được hấp thu bởi dạ dày và ruột sau đó chuyển hóa bởi gan, thận, và một ít ở phổi. Khi lượng lớn bia rượu được sử dụng, vượt quá khả năng của cơ thể, sẽ dẫn đến các triệu chứng khác nhau.
Tác dụng phụ ở mức độ nhẹ biểu hiệu bằng các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, ợ hơi hay đau bụng, tiêu chảy. Các triệu chứng nhẹ khác có thể gặp như cảm giác hưng phấn, đỏ mặt, choáng váng…
Tác dụng phụ nặng hơn của uống rượu bia như đau đầu dữ dội, trạng thái kích động, chửi bới hay li bì, ngủ gà, thậm chí không kiểm soát được hành động của bản thân.
Đặc biệt gần đây xuất hiện nhiều trường hợp ngộ độc rượu, trong đó có các loại rượu không rõ nguồn gốc. Ngộ độc rượu có thể gây hôn mê, co giật, ngộ độc gan, tổn thương thần kinh không hồi phục và tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, tiêu thụ bia rượu lượng nhiều trong thời gian dài có thể dẫn đến nghiện rượu, sụt cân, suy kiệt và các bệnh nguy hiểm như giảm chức năng gan, xơ gan, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ,…
Vậy uống bao nhiêu là phù hợp?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không dùng nhiều hơn 5 ngày/ tuần. Trong đó, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương 1 lon bia 330 ml nồng độ cồn 5% hoặc 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40% hay 100 ml rượu vang nồng độ 13,5%.
Làm sao hạn chế tình trạng say vào dịp Tết?
- Không uống rượu bia khi bụng đói. Trước khi uống, hãy ăn chút gì đó để tránh việc dạ dày hấp thụ trực tiếp lượng cồn tiêu thụ vào dẫn đến dễ say hơn
- Luôn đảm bảo rượu bia rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng
- Uống rượu bia phù hợp với “tửu lượng” của bản thân
- Không nên tiêu thụ lượng lớn bia rượu trong thời gian ngắn, nên uống chậm và từ từ để cơ thể chuyển hóa
- Tất nhiên, bạn sẽ không say nếu bạn không uống. Hãy luôn giữ được bản lĩnh sử dụng rượu bia hợp lý để ngày xuân thật trọn vẹn.
Đặc biệt, du xuân an toàn, hãy luôn đảm bảo nguyên tắc “Tuyệt đối không lái xe khi đã uống bia rượu!”
Hy vọng rằng với những thông tin đã chia sẻ có thể giúp mọi người du xuân lành mạnh và an toàn! Chúc mừng năm mới, Xuân Quý Mão 2023!