Mẻ mứt dừa non tự làm cho ngày Tết đủ đầy

by Thùy Dương

Những ngày cuối năm nhịp sống cũng trở nên vội vã hơn, quanh xóm làng đâu đâu cũng nghe tiếng dọn dẹp nhà cửa, có nhà cứ í ớ nhau dọn chỗ này, quét chỗ kia, mỗi người một tay, một góc mà làm việc. Bận vậy đó, chứ không thể thiếu mấy món mứt tự làm, đặc biệt mứt dừa non thì càng không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân sang.

Làm mứt dừa non tưởng dễ mà không có dễ tí nào

Ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm mua các loại mứt ở bất kì đâu, nhưng có lẽ vì tiện lợi mà sự gắn kết gia đình lại càng ít đi. Hiểu được lẽ đó, mấy năm gần đây, nhiều người chọn cách tự tay làm vài món mứt khoái khẩu cho cả gia đình nhâm nhi ngày Tết, và mỗi khi khách ghé thăm nhà còn được khoe lấy khoe để “mứt nhà làm đó nha!”.

Làm mứt dừa cần sự kiên nhẫn, đôi tay khéo léo liên tục đảo bếp tránh cháy đen cả nồi. Ảnh Hiền Lê.

Mứt dừa từ ngày xưa đã luôn có mặt trong khay mứt Tết của từng gia đình, đặc biệt là người miền Nam. Mẻ mứt dừa là “chuyện nhỏ” với chị em, nhưng mứt dừa non lại không dễ tí nào, à rất dễ “cháy” đó nha.

Mứt dừa non khác với mứt dừa thông thường, chúng được làm từ cơm dừa non, vẫn còn mềm, chưa khô cứng như mứt dừa truyền thống. Khâu chọn cơm dừa cực kì quan trọng, thành phẩm có ngon hay không phần lớn còn dựa vào “vận may” khi mua cơm dừa. Nếu có kinh nghiệm hoặc gặp người bán thật thà, sẽ được tư vấn ngay quả ngon, vừa cơm, còn lỡ “xui” thì mứt dừa sẽ không còn non và ngon.

Ngày nay, có nhiều nơi bán sẵn cơm dừa đã được lấy ra khỏi trái, sẽ giúp chúng ta rút ngắn thời gian nạo cơm dừa và biết chắc chắn hơn về độ non của cơm. Ảnh Hiền Lê.

Mứt dừa non có độ béo của cơm dừa, nhai chầm chậm trong miệng sẽ tiết ra vị sữa, muốn ngon hơn nữa khi sên mứt đã gần khô, chúng ta cho thêm một phần sữa bò sẽ giúp tăng độ béo ngậy của món mứt này.

Mách bạn một điều lưu ý khá quan trọng để tạo nên sự thành công ngay khi lần đầu thử làm, đó là khi cắt cơm dừa non, chúng ta cần cắt dày dặn hơn mứt dừa truyền thống, hoặc có thể cắt hình vuông, hình lục giác,… để miếng mứt sinh động, và tránh bị bể trong quá trình sên đường.

Mứt dừa non dễ bị chảy đường hơn, nên để giữ được lâu, chúng ta nên phơi vài con nắng tốt, giúp mứt khô ráo, ngon hơn. Ảnh Hiền Lê.

Mẻ mứt dừa, gắn kết yêu thương

Làm mứt dừa không có sướng xíu nào cả, khi cả nhà đều hợp sức lại mà làm. Người đàn ông sẽ dành phần chẻ quả nạo lấy cơm, phần này khó và dùng sức nhiều. Không khéo còn để lại nhiều vết thương trên tay khi bất cẩn trúng vào gáo dừa bị bể. 

Phải chọn cái muỗng cứng cáp, nếu không chúng ta sẽ có một tác phẩm cong vòng nhờ vào nạo cơm dừa đó! Ảnh Internet.

Khi đã tách rời được cơm dừa thì đến công đoạn chị em phụ nữ trổ tài cắt tỉa của mình. Mỗi người một tay, người thì cắt dài cắt ngắn, cắt đôi ba hình thù khác lạ, người thì tạo màu cho mứt thêm sinh động, màu sắc thì có sẵn trong vườn nhà, màu xanh lá nếp, màu cam quả gấc hay màu hồng củ dền, …

Màu sắc tự nhiên giúp chúng ta ăn sẽ cảm thấy ngon miệng hơn. Ảnh Hiền Lê

Khi đã ngâm cơm dừa trong đường đủ lâu, đường tan chảy hoàn toàn thì cũng đến công đoạn cần sự kiên nhẫn nhất để cho ra lò mẻ mứt dừa thơm ngon béo ngậy, ăn mãi không ngán, đó là giai đoạn sên đường.

Nói nôm na sên đường có nghĩa là sẽ làm cho đường cô đặc và kết tinh thành phấn trắng bao quanh lấy cơm dừa, nói thì đơn giản nhưng quá trình này tốn rất nhiều thời gian và cả sự khéo léo của người canh bếp. Một điều đặc biệt là nếu làm bằng bếp củi thì món mứt sẽ thơm ngon đậm vị hơn.

Bếp củi tuy khó giảm độ lớn mạnh của lửa, nhưng khi thành công mẻ mứt sẽ chuẩn bị hơn. Ảnh Hiền Lê

Khi đủ thời gian trên bếp, mứt sẽ từ từ khô lại và tạo nên một lớp phủ theo dân gian gọi là “lại đường” thì mẻ mứt đã thành công. Nhưng trong quá trình làm mứt,  phải luân phiên đảo tay liên tục, tránh lớp đường bên dưới bị cháy, mẻ mứt sẽ có mùi khét đó nhé!

Bạn thấy không, mấy khi có cơ hội cả gia đình cùng nhau làm một thứ gì đó, khi sự hiện đại giúp chúng ta dễ dàng đặt mua với giá cả hợp túi tiền, nhưng điều đó cũng khiến chúng ta vô tình đánh mất đi truyền thống gắn kết, cùng nhau quây quần bên gia đình mỗi độ xuân sang.

Khi ngồi bên nhau cùng canh chảo mứt, mời nhau ly trà rồi kể nhau nghe những chuyện đã qua. Nhà thì có đứa con học xa, nhà thì con cháu mỗi năm mới về hội tụ, quây quần bên bếp củi ấm áp đến lạ. Sự phát triển giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, nhưng đừng vì thế mà cắt giảm đi thời gian dành cho gia đình, bạn nhé!

 

You may also like

Leave a Comment