Trong thời đại ngày nay, nhiều người lạm dụng cà phê với mục đích tăng cường sự tập trung và nâng cao hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả của cà phê chỉ kéo dài rất ngắn nhưng ảnh hưởng về sức khỏe thì lâu dài nếu tiêu thụ quá mức
Xem thêm:
Cà phê là một loại thức uống không thể thiếu vào mỗi buổi sáng, đặc biệt là đối với những bạn làm công việc văn phòng. Việc nạp vào cơ thể một ly cà phê giúp bạn tỉnh táo hơn và có nhiều năng lượng để làm việc cho một ngày dài. Tuy nhiên, sẽ có một vài thời điểm trong ngày bạn không nên thưởng thức cà phê vì lúc này cà phê có thể trở thành một yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.
Không uống cà phê vào sáng sớm
Mọi người thường có thói quen dùng cà phê vào buổi sáng, trước khi vào giờ làm để giúp tinh thần của mình tỉnh táo hơn. Kể cả khi họ chưa dùng bữa sáng thì trên tay đã cầm sẵn một tách cà phê.
Theo Đại học Y khoa Uniformed Services tại Mỹ nghiên cứu về hành vi sử dụng cà phê, vào khoảng từ 6 giờ sáng đến trước 10 giờ là thời điểm hormone căng thẳng, cortisol (một hormone có tác động đến quá trình chuyển hoá năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể đối phó với căng thẳng) ở mức cao, lượng hormone ở khoảng thời gian này đã đủ để giúp bạn tăng cường năng lượng. Chính vì thế, bổ sung caffeine vào thời điểm này là hoàn toàn không cần thiết.
Thời điểm thích hợp nhất để bạn uống ly cà phê đầu tiên là vào lúc 10 giờ đến 12 giờ, lúc này mức cortisol bắt đầu giảm xuống. Khi đó, cơ thể bạn có thể hấp thụ và phần nào tiết kiệm được lượng caffeine, giúp bạn tăng năng lượng cho những lúc cần thiết.
Không uống cà phê khi đói
Cà phê cũng là một chất kích thích, theo tiến sĩ Adam Simon, giám đốc y tế trang PushDocor.co.uk cho biết, khi bạn uống một ly cà phê vào lúc đói sẽ khiến tay chân bạn run rẩy, tim đập nhanh, mất khả năng tập trung.
Ngoài ra, cà phê có tính axit, việc bạn uống cà phê lúc đói sẽ là cơ hội cho axit làm hỏng lớp niêm mạc, gây ra một số triệu chứng như ợ chua, trào ngược hoặc các vấn đề tiêu hóa. Nếu muốn phát huy hết tác dụng của cà phê, hãy ăn nhẹ một chút gì trước khi uống.
Không uống sau 3 giờ chiều
Cà phê là một loại thức uống giúp bạn tỉnh táo để làm việc bằng cách tăng adrenaline (hormone có tác dụng kích thích tâm trạng, tăng độ tỉnh táo và tập trung), ngăn chặn adenosine (một chất gây buồn ngủ được tạo ra trong não) và làm chậm quá trình tái hấp thu dopamine (đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc). Quá trình này làm tăng sự tỉnh táo và giảm buồn ngủ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng caffeine có tác động kích thích thần kinh kéo dài đến 6 tiếng sau khi uống.
Nếu không muốn có một tối khó ngủ, thay vì “nốc” vào người loại đồ uống này sau một ngày làm việc mệt nhọc, sẽ tốt hơn nếu bạn về nhà thư giãn và tận hưởng thời gian cá nhân của mình.
Sử dụng, đừng lạm dụng
Trong thời đại ngày nay, nhiều người lạm dụng cà phê với mục đích tăng cường sự tập trung và nâng cao hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả của cà phê chỉ kéo dài rất ngắn nhưng ảnh hưởng về sức khỏe thì lâu dài nếu tiêu thụ quá mức.
Bạn chỉ nên uống cà phê 4 – 5 ngày trong tuần và thay đổi thời gian uống cà phê bằng một thức uống khác để hạn chế sự ức chế sinh học có trong cơ thể.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, lượng cà phê nên uống trong ngày là không quá 400 mg, tương đương với khoảng 4 tách cà phê. Ngoài ra, bạn nên uống đủ nước và không sử dụng cà phê để thay thế nước uống hàng ngày của mình.
Uống cà phê là một cách giúp cho tinh thần của mình cảm thấy thoải mái và có thể tập trung vào công việc hơn. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng là “thời gian vàng” để thưởng thức cà phê. Nếu muốn công dụng của cà phê được phát huy theo chiều hướng tích cực, bạn hãy lựa chọn một thời gian thích hợp thưởng thức tách cà phê tuyệt hảo một cách trọn vẹn nhất.
Lút Ham