Nhiều người thích và có thói quen bẻ khớp ngón tay vì âm thanh kêu “rắc rắc” khiến họ cảm thấy thoải mái hơn cũng như thư giãn, đỡ mỏi khớp hơn. Nhưng sự thật sau sự dễ chịu đó thì sao?
Xem thêm:
Tại sao chúng ta lại hay bẻ khớp ngón tay?
Giải phóng căng thẳng là yếu tố đầu tiên khiến nhiều người trong chúng ta vô thức làm điều đó do thói quen.
Hầu hết các khớp xương đều bao gồm khoảng trống hoặc các túi khí nhỏ chứa chất hoạt dịch khớp có tác dụng bôi trơn và làm giảm sự va chạm của các đoạn xương khi vận động. Khi bạn sử dụng tay suốt một ngày dài, các cơ thắt chặt và các khớp căng cứng là nguyên nhân khiến bạn muốn bẻ khớp ngón tay. Hành động này khiến các khớp ngón tay được giãn ra, giảm bớt sự căng, mỏi của các ngón.
Bên cạnh đó, việc bẻ khớp tay khiến các khớp được kéo căng, làm tăng khoảng cách giữa các khớp khiến các túi khí đó vỡ ra hoặc hình thành, tạo nên tiếng động. Âm thanh này khiến nhiều người bị “nghiện”, nó giống với tiếng nổ “lốp bốp” của giấy xốp bong bóng bọc hàng mà người người nhà nhà đều mê.
Mặc dù hành động này không thể trực tiếp gây ra căn bệnh viêm khớp hay rạn khớp mà mọi người thường đồn thổi, nhưng những tổn thương về khớp mà nó có thể dẫn đến là thật.
Các tác hại của thói quen bẻ khớp ngón tay
- Gây giãn hoặc rách dây chằng quanh khớp tay
Giữ thói quen này thường xuyên sẽ dễ khiến các dây chằng quanh khớp ngón tay của bạn bị căng quá mức, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng bị giãn, khiến dây chằng mất đi độ đàn hồi tự nhiên vốn có của nó. Từ đó gây ra hiện tượng giãn dây chằng, thậm chí có thể dẫn đến rách dây chằng.
- Gây hao mòn về khớp và mất thẩm mỹ
Việc bẻ khớp ngón tay có thể không trực tiếp gây ra các bệnh về khớp nhưng đó cũng là một nguyên nhân gián tiếp nếu bạn thực hiện nó như một thói quen mỗi ngày. Bởi các khớp xương sẽ cọ sát vào sụn (vị trí tiếp xúc giữa hai đầu xương) làm tăng áp lực lên mặt khớp dẫn đến tình trạng hao mòn chất sụn bề mặt, làm tăng cao khả năng mắc các bệnh về xương khớp. Chưa kể hành động này cũng sẽ khiến ngón tay của bạn bị to và bè ra,thậm chí là bị sưng hoặc trật khớp, rất mất thẩm mỹ.
- Đẩy nhanh tốc độ thoái hóa của khớp
Sụn là bộ phận bao quanh hai đầu xương của khớp, là “chiếc đệm” khiến cho cơ thể di chuyển và hành động linh hoạt hơn. Theo thời gian cùng những yếu tố bên ngoài, các khớp sụn này sẽ ngày càng trở nên kém linh hoạt và dễ tổn thương hơn. Thậm chí trong trường hợp hư hỏng, các sụn khớp khó có thể tái tạo lại. Vì vậy, bẻ ngón tay thường xuyên chính là đang góp phần vào việc làm tăng tốc độ lão hóa của các tế bào sụn, đẩy nhanh quá trình thoái hóa của khớp.
- Làm giảm sức cầm nắm
Như đã nói ở trên, bẻ khớp ngón tay thường xuyên có thể gây tổn thương cho sụn, thậm chí làm sưng khớp, gây tổn thương các mô nang liên kết xung quanh. Và hậu quả là làm giảm đi lực tay, sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Làm thế nào để thay đổi thói quen ấy?
Đã là thói quen vô thức thì không dễ dàng ngày một ngày hai mà thay đổi, kiên nhẫn là điều cần thiết cho những ai đang mắc phải thói quen tai hại này.
Theo các chuyên gia, khi cảm thấy mỏi ta có thể nhẹ nhàng cử động các khớp tay như duỗi tay, cổ tay và cẳng tay, các hành động này giúp gia tăng lưu lượng máu đến mô, khiến bạn cảm thấy dễ chịu mà không gây tổn thương các các khớp, giảm bớt nhu cầu bẻ các đốt ngón tay.
Hoặc bạn có thể thực hành động tác chắp tay trước mặt, sau đó từ từ đưa tay xuống rốn cho đến khi cảm giác các cơ căng ra. Động tác đơn giản hơn để thư giãn ngón tay là nắm chặt tay thành nắm đấm sau đó mở các ngón tay ra, lặp lại nhiều lần như tập thể dục.
Để phân tâm khỏi việc bẻ ngón tay trong vô thức bạn cũng có thể sử dụng các dạng đồ chơi cầm tay như slime, bóng nước bóp xả stress, khối lập phương vô cực,…
Thói quen bẻ ngón tay thực chất chỉ khiến bạn cảm thấy dễ chịu trong tức thời nhưng lại mang những hậu quả về sau nếu thường xuyên thực hiện. Do đó, hãy làm quen với các thói quen lành mạnh thay vì đánh đổi sự thoải mái giây lát để lấy lại rủi ro sức khoẻ về sau.
Lút Ham