Eat clean tốt cho sức khoẻ là điều không thể phủ nhận. Nhưng khái niệm “eat clean” được lan truyền rộng rãi như ngày nay đôi khi vẫn khiến nhiều người hiểu sai và gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần.
Xem thêm:
Chế độ ăn sạch hay còn gọi là eat clean đã trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu trong thời gian gần đây. Có thể thấy hàng loạt các blogger ẩm thực và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội liên tục lan tỏa lối sống ăn uống mới này. Thuật ngữ eat clean bản chất nó gắn liền với mục đích tốt. Những hứa hẹn mang lại từ thói quen eat clean là nâng cao chất lượng sức khoẻ, cải thiện làn da và kiểm soát được cân nặng.
Tuy nhiên song song với những lợi ích vẫn có những tranh cãi về eat clean, một số nhà khoa học cho rằng thói quen này có thể dẫn đến chứng rối loạn ăn uống cùng các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn khác. Bài viết này sẽ cho bạn thấy được chế độ eat clean dưới góc nhìn của các nghiên cứu.
*Bài viết này được kiểm chứng bởi Tiến sĩ Khoa học Y sinh Alexandra Sanfins, thành viên của Hiệp hội Nhà văn Y học Châu Âu, cô đã có hơn 15 năm kinh nghiệm biên tập thông tin khoa học.*
Eat clean là gì?
Nguyên tắc cơ bản của việc ăn sạch là lựa chọn các thực phẩm nguyên chất giàu dinh dưỡng; hạn chế tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm chứa chất bảo quản, thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng,…
Diễn giải một cách đơn giản là thế, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự rõ ràng. Điều này khiến mô hình eat clean dù có chung nguyên tắc nhưng lại có nhiều biến thể công thức khác nhau, đáng nói là có những công thức đi quá xa khiến nó sai với bản chất tốt ban đầu.
Các nghiên cứu về eat clean
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí dinh dưỡng Nutrients vào năm 2018 đã thực hiện khảo sát nhận thức về eat clean trên một nhóm người bao gồm thanh niên và những người trưởng thành tại Mỹ. Hầu hết những người tham gia đều cho rằng chế độ eat clean là tiêu thụ thực phẩm nguyên chất, thực phẩm tự nhiên không chứa hương liệu hoặc các phụ gia nhân tạo.
70,8% người trong khảo sát cho rằng ăn sạch mang lại những lợi ích tốt cho sức khỏe. 18% lại cho rằng eat clean vừa có lợi vừa có hại, cụ thể là nó có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống.
Cũng trên tạp chí Nutrients, một nghiên cứu khác đã khảo sát 762 phụ nữ Úc ở độ tuổi 17-55 về việc thực hiện eat clean theo hướng dẫn của các nền tảng trực tuyến. Các nền tảng truyền thông trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội là những nơi dễ dàng tiếp cận các thông tin về y tế và sức khỏe. Báo cáo cho biết phần lớn người truy cập vào các nền tảng đó đều là phụ nữ, do đó họ dễ dàng bị tác động bởi những thông tin trên đó.
Các nội dung truyền tải trên mạng không phải lúc nào cũng được kiểm duyệt chính xác, nó có thể khiến người đọc bắt chước theo các kiến thức sai lệch về dinh dưỡng, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Không chỉ vậy, các kênh truyền thông cũng định hướng những tiêu chuẩn về sức khỏe và vẻ đẹp theo hướng chủ quan, ví dụ như họ lý tưởng hoá lối sống eat clean với vóc dáng mảnh khảnh, làn da bóng láng. Những kiểu truyền thông như này khiến phụ nữ bị tác động tiêu cực bởi nhiễu loạn hình ảnh, khiến họ ám ảnh với việc ăn uống, gây ra triệu chứng rối loạn ăn uống, thậm chí là trầm cảm.
Lợi ích từ eat clean
Mặc dù không có nghiên cứu khoa học nào cho thấy eat clean có sự liên kết với sức khoẻ, nhưng có đã có rất nhiều nghiên cứu về việc chế độ ăn cân bằng, hạn chế những thực phẩm chế chứa hóa chất và thực phẩm chế biến sẵn sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Khi ăn sạch, tức là chúng ta sẽ hạn chế nạp natri, đường và các thực phẩm chế biến kỹ vào cơ thể. Ăn sạch là chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch và protein lành mạnh.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí BMJ, nếu cơ thể tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến phức tạp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạnh, tim mạch vành và bệnh mạch máu não. Các loại thực phẩm mà nghiên cứu nói đến bao gồm đồ ăn đông lạnh, thịt đã được tái chế và đồ ăn vặt nhiều gia vị.
Rủi ro tiềm ẩn đi kèm
Một trong những hạn chế đầu tiên của eat clean là nó có thể dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng do bị cắt quá nhiều loại thực phẩm. Trào lưu ăn sạch không được hiểu rõ ràng khiến nhiều người tự phân loại này là loại thực phẩm “tốt”, kia là loại thực phẩm “xấu” mà không có nghiên cứu khoa học nào chắc chắn cho những dán nhãn này.
Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA) của Mỹ cho biết, eat clean tương tự như ăn kiêng, nó làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh về tâm thần, cụ thể là xu hướng Orthorexia nervosa (ON) đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Đây là một danh mục rối loạn tâm thần riêng biệt, nó không hẳn là một bệnh lý nhưng nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần của người mắc phải. Ví dụ như họ ám ảnh với các thành phần của thực phẩm, cắt quá nhiều nhóm thực phẩm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, căng thẳng lo âu quá mức về thực đơn ăn,…
Một chế độ ăn uống lành mạnh
Định nghĩa chính xác về ăn uống “healthy” không có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh. Ngoài ra khẩu vị và tư tưởng đối với dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau. Miễn là bạn có một chế độ ăn từ tất cả các nhóm thực phẩm và tiêu thụ chúng một cách cân bằng.
Không phải tất cả các thực phẩm đông lạnh hay chế biến sẵn đều có hại, học cách nghiên cứu thành phần trước khi lựa chọn chúng. Đặc biệt cố gắng không nạp natri, chất béo bão hoà, đồ uống có cồn và đường vào cơ thể.
Một số lưu ý bạn có thể tham khảo trong khẩu phần ăn của mình bao gồm: Ăn nhiều loại rau, ăn trái cây nguyên chất, dùng ngũ cốc nguyên hạt, uống sữa ít béo hoặc không có chất béo càng tốt, dùng phô mai không chứa lactose, tiêu thụ protein chất lượng cao (có trong thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, hải sản, các loại hạt), sử dụng dầu ăn bao gồm dầu thực vật và dầu từ hạt.
Cuối cùng, hãy chọn lọc thông tin dinh dưỡng có tính xác thực trên mạng. Để an toàn, bạn có thể gặp chuyên gia dinh dưỡng để giải đáp thắc mắc hoặc thiết lập thực đơn eat clean hợp lý với thể trạng của bạn.
Tham khảo: Medical News Today
Lút Ham