Tom Ford – người vực dậy đế chế Gucci

by Lút Ham

Trước nguy cơ phá sản trong những năm 1990, cơ duyên gặp gỡ của Tom Ford với Gucci chính là điều kỳ diệu vực dậy thương hiệu thời trang cao cấp trước bờ vực phá sản. 

Xem thêm: 

Đứng vững sau nhiều thập kỷ và trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ được yêu thích nhất trong làng thời trang, Gucci cũng từng gặp nhiều biến cố trong quá trình xây dựng định vị thương hiệu. Hiện con cưng của tập đoàn Kering này vẫn đang nắm vị trí quan trọng bởi doanh số tốt mà nó mang lại. Tuy nhiên trong quá khứ, Gucci đã từng mấp mé trên bờ vực phá sản. Không ai khác, chính Tom Ford là người đã cứu cánh, vực dậy, góp phần tạo nên “con gà đẻ trứng vàng” như ngày này cho nhà Kering.

Đứng trước nguy cơ phá sản

Gucci đã từng có hàng loạt chiến lược sai lầm với thương hiệu của mình. Có thể kể đến những năm 1980 Gucci gần như mờ nhạt trong thị trường thời trang bấy giờ. Aldo – một trong những người đứng đầu thương hiệu đã đưa ra kế hoạch mở thêm dòng sản phẩm giá rẻ với mong muốn thị trường đón nhận Gucci dễ dàng và rộng rãi hơn. Đi ngược với kì vọng, đây là quyết định không thành công cho một thương hiệu cao cấp. Một bất lợi khác của Gucci thời điểm đó chính là hàng giả hàng nhái xuất hiện tràn lan trên “chợ đen”, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của hãng thời trang này. 

Trước khi trở thành thương hiệu thời trang cao cấp thành công như ngày nay, Gucci cũng từng gặp nhiều biến cố trong quá trình xây dựng định vị thương hiệu.

Vực thẳm của Gucci mở ra dưới thời Maurizio lãnh đạo, đó là giai đoạn 1989-1993. Theo báo cáo của Forbes, chỉ riêng năm 1993, Maurizio đã lỗ hơn 22 triệu USD. 

Tom Ford như ánh sáng cứu rỗi Gucci 

Xuất phát điểm từ nền tảng kiến trúc nội thất, Tom Ford không có nhiều kinh nghiệm về mảng thời trang. Tại Mỹ, anh gia nhập mảng thời trang, làm việc với những tên tuổi như Chloé, Marc Jacobs. Có lẽ vùng đất này không thực sự phù hợp với quan điểm và tư duy thời trang của Tom Ford, do đó sự nghiệp của anh không có sự nổi bật. Điều này đã thúc đẩy anh đến châu Âu, nơi không có sự kìm hãm và tập trung vào các phong cách cá nhân, cơ duyên này đã đưa Tom Ford gặp gỡ Gucci. 

Tom Ford - người vực dậy đế chế Gucci

Không có nhiều kinh nghiệm về thời trang, ban đầu sự nghiệp của Tom Ford không gây được ấn tượng trong thị trường này

Nhưng sự nghiệp của Tom Ford không có gì đặc biệt cho đến khi Maurizio rời khỏi Gucci. Những tư duy đổi mới của anh đã cứu Gucci thoát khỏi vũng lầy khi ấy. Bước ngoặt sự nghiệp của Tom Ford xảy đến khi Dawn Mellow (giám đốc sáng tạo của Gucci thời đó) rời đi, để mặc thương hiệu trong cơn bão. Anh được đưa vào vị trí quản lý nhánh thời trang nữ, một mảng rủi ro mà khi ấy không ai muốn nhận. 

“Sex” lần đầu tiên xuất hiện trong Gucci

Gạt bỏ tư duy thời trang đã lỗi thời của thời điểm đó, Tom Ford thiết kế lại thời trang Gucci bằng một cách tiếp cận vô cùng khiêu khích. Nhà thiết kế thay đổi hoàn toàn hình ảnh Gucci cũ, thay bằng một diện mạo gợi cảm, phô trương cơ thể phụ nữ bằng các đường cắt xẻ táo bạo.

Thiết kế thời trang dành cho nữ của Tom Ford gây ấn tượng với những đường cắt xẻ, khoe cơ thể một cách gợi cảm

Diện mạo mới của Gucci nhận nhiều sự chỉ trích từ giới thời trang, nhưng đây không hề là một sự khiêu khích vô cứ. Sự tranh cãi đó chính là cách Gucci được nhận diện rộng hơn, khẳng định với thế giới Gucci tiên phong trong lĩnh vực thời trang.

Thời trang nam dưới sự quản lý của Tom Ford đã phá bỏ những định kiến truyền thống về quần áo dành cho nam giới

Tom Ford trở thành giám đốc sáng tạo của Gucci vào năm 1994, không chỉ quản lý mảng thời trang nữ, giờ đây anh còn kiêm luôn phát triển mảng thời trang nam. Với đồ dành cho nam giới, Tom Ford cũng thực hiện các cuộc cải cách mới khi mang đến thiết kế quần tây bó tôn vòng ba của đàn ông, một điều khó chấp nhận tại những năm 90 hồi đó. 

Một trong những chiến dịch tạo ra sự phẫn nỗ trong giới thời trang của Tom Ford

Liên tiếp những năm sau đó, Tom Ford tung hàng loạt hoả mù, các bộ sưu tập nổ ra đầy gợi dục, nền công nghiệp thời trang phẫn nộ đi chăng nữa thì cánh báo chí luôn lấp đầy các runway show của Gucci/Tom Ford. Doanh số cứ thế tăng vọt lên. Nếu năm 1993, Maurizio đã để Gucci chịu lỗ hơn 22 triệu USD thì dưới sự dẫn dắt của Tom Ford, doanh số tăng trưởng lên 90%, năm 1999 Gucci được định giá lên tới 4 tỷ đô la Mỹ. 

Kỷ nguyên Tom Ford chấm dứt vào năm 2004

Sau 14 năm trị vì Gucci, những tưởng vị trí giám đốc sáng tạo của Tom Ford sẽ còn kéo dài, nhưng đáng tiếc anh đã rời khỏi thương hiệu này bởi sự bất đồng với Kering (tập đoàn mua lại Gucci). Quan điểm định vị thương hiệu của Tom Ford và tập đoàn khác nhau, anh cũng cảm thấy không thoải mái khi thiết kế của mình bị can thiệp nhiều, cuối cùng thỏa thuận giữa hai bên không đạt được, kết quả là Tom Ford rời đi

Thiếu Tom Ford, Gucci lại tiếp tục chật vật chạy đua doanh số. Bởi sức nóng dưới thời Tom Ford quá mạnh mẽ, việc tạo nhiệt thêm một lần nữa quả là không dễ dàng. Trong giới thời trang, nhiều người coi Tom Ford như một “vết nhơ” trong lịch sử phát triển của Gucci. Nhưng không thể phủ nhận nếu ngày đó Tom Ford không xuất xuất hiện, liệu Gucci có cơ hội để vực dậy ở thời điểm ngàn cân treo sợi tóc? Và nếu không phá sản, hướng đi của Gucci có thể sẽ chệch đi rất xa, hướng đi đấy cũng không chắc mang lại tiếng vang cho thương hiệu cao cấp này. 

Với niềm đam mê thời trang, Tom Ford thành lập thương hiệu riêng, đó cũng là thương hiệu mang tên anh. Tom Ford còn mời cứu giám đốc điều hành Gucci là Domenico de Sole cùng ông tiếp quản công ty mới. Như một cách khẳng định khả năng của bản thân sẽ tỏa sáng dù ở bất cứ thương hiệu nào, Tom Ford tới nay cũng trở thành thương hiệu thời trang cao cấp yêu thích từ giới chuyên môn cho đến các ngôi sao hàng đầu thế giới. 

Tham khảo: SCMP

Lút Ham

 

You may also like

Leave a Comment