Đĩa cơm nóng hổi xới liền tay bán cho khách, tiệm cơm tấm “2 vợ 1 chồng” được lưu truyền công thức tới 5 đời có gì đặc biệt?
Xem thêm:
Sài Gòn từ lâu đã là một thiên đường ẩm thực nổi tiếng gần xa, bởi chỉ cần đến thành phố đa sắc màu này, bạn đã có thể thưởng thức văn hoá ẩm thực đa dạng từ món “ta” cho đến những món Tây.
Một trong những “đặc sản” nổi tiếng của Sài Gòn được người Việt lẫn du khách nước ngoài yêu thích chính là cơm tấm. Cơm tấm có mức giá bình dân với đầy đủ chất dinh dưỡng khi ngoài miếng thịt sườn còn có đa dạng các thể loại “topping” kèm theo như chả, bì, trứng, lạp xưởng, đồ chua, dưa leo,… Giữa khuya đói bụng mà có thể ăn được một dĩa cơm tấm với miếng sườn được ướp đậm vị rồi nướng trên than hồng thơm phức, cùng một quả trứng ốp la được chiên vừa chín tới kết hợp với nước mắm được sên đặc kẹo thì quả thật là không còn gì tuyệt vời hơn!
Với niềm đam mê săn tìm ẩm thực đường phố và nhờ “tiếng lành đồn xa”, chúng tôi quyết định ghé thử vào tiệm cơm tấm đêm có tiếng nằm trên đường Cô Giang, quận 1. Vì là quán cơm vỉa hè nên quán không có tên gọi cụ thể mà thường gọi với cái tên “Quán cơm 2 vợ 1 chồng”. Đúng như tên gọi, quán cơm này nổi tiếng một phần vì được hai người vợ cùng một anh chồng làm chủ, gia đình đặc biệt này đã chung sống hòa thuận, hạnh phúc và buôn bán với nhau suốt nhiều năm qua.
Nằm trên mặt tiền đường Cô Giang, vị trí thuận tiện, dù mới chỉ hơn 6 giờ tối nhưng quán cơm tấm đêm đã bán không kịp trở tay cho cả khách ăn tại chỗ và khách mua về.
Điều đặc biệt khiến quán cơm này thu hút được nhiều khách chính là cơm tấm sườn chuẩn hương vị xưa, một hương vị mà không phải quán cơm tấm nào cũng có thể làm được.
Quán mở từ 17 giờ đến 23 giờ khuya, đây là một địa điểm mà các tín đồ muốn khám phá và thưởng thức các món ăn đêm của Sài Gòn hay đến.
Theo như chủ quán chia sẻ, công thức làm món ăn này đã được truyền qua 5 đời, từ đời ông bà cố cho đến người chủ quán hiện tại. Chính vì thế, quán vẫn giữ được hương vị ngày xưa của cơm tấm, khiến nhiều người cảm thấy vô cùng quen thuộc ngay từ lần đầu thưởng thức. Cô cho biết, quán đã có mặt tại Sài Gòn từ khi còn ga xe lửa Bến Thành – Sài Gòn (1964 – 1965) nay đã thành công viên 23.9. Sau đó, công thức được truyền đến đời bà ngoại, đời mẹ và được lưu lại đến nay.
Sườn nướng của quán được ướp theo công thức gia truyền, không bỏ phẩm màu để làm cho miếng sườn trở nên đẹp mắt mà chỉ có màu tự nhiên của thịt khi được nướng chín vàng lên. Khâu lựa chọn sườn để nướng cũng được quán thực hiện kỹ càng, tất cả các miếng sườn đều có kèm tí mỡ nên thịt khi nướng lên không bị khô, làm cho người ăn cũng cảm nhận được miếng thịt thơm ngon hơn.
Tại đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, cách Đình Nhơn Hòa khoảng chừng 10 mét, quán cơm nằm giữa trung tâm thành phố nhưng vẫn giữ được mức giá bình dân vốn có của món ăn này. Chỉ với 35.000đ là bạn đã có ngay một dĩa cơm tấm đầy ụ, kèm theo miếng sườn nướng thơm lừng để lấp đầy chiếc bụng đói vào lúc giữa đêm rồi đấy.
Ngoài sườn, quán còn nhiều lựa chọn khác dành cho những ai muốn ăn kèm với nhiều topping hơn. Như phần ăn mà nhóm tụi mình gọi, mỗi đĩa có giá 70.000đ. Bên cạnh miếng sườn nướng thơm ngon thì phần ăn này còn có thêm lạp xưởng, trứng ốp la, bì và chả trứng. Và đặc trưng của món cơm tấm chính là nước mắm được sên kẹo kẹo, đã ăn cơm tấm thì không thể nào thiếu món nước chấm “thần thánh” này. Tất cả kết hợp với nhau tạo nên hương vị vừa dân dã, vừa rất…Sài Gòn.
Theo khẩu vị cá nhân của mình, sườn được ướp vị vừa ăn, khi nướng lên giữ được độ mềm và màu vàng đồng đều.
Trong đó, lạp xưởng là món mình thích nhất. Mỡ bên trong nhai có cảm giác giòn tan, vị ướp không quá ngọt và mặn, ăn rất vừa miệng. Miếng lạp xưởng vừa đủ để thưởng thức, không quá nhiều dễ bị ngán mà cũng không quá ít đủ để “gây nhớ thương”.
Phần chả trứng giòn ngoài, bên trong mềm thơm, ăn cùng mỡ hành và tóp mỡ cực đưa cơm. Mình gọi ốp la lòng đào và quán làm đúng như yêu cầu. Thêm phần bì cho đẩy đủ “tiêu chuẩn “ của đĩa cơm tấm Sài Gòn, với sức ăn của một người bình thường thì đĩa cơm 70.000đ này sẽ khiến bạn phải no căng.
Tuy nhiên nước mắm chưa gây được ấn tượng, nước chấm là “cầu nối” giúp cân bằng vị và tăng thêm vị đậm đà của các món ăn. Đáng tiếc, mắm của tiệm chưa đủ vị ngọt và độ sệt.
Cá nhân mình đánh giá tổng thể phần cơm đã gọi: 7/10 điểm
Vì quán luôn đông khách nên trong giờ cao điểm ăn tối bạn có thể sẽ phải đợi bàn nếu đi nhóm nhiều người. Nhưng bù lại từ chủ quán đến nhân viên đều rất vui vẻ nhiệt tình hỗ trợ và phục vụ khách.
Tiệm cơm tấm bình dị tồn tại ở Sài Gòn qua nhiều thế hệ, khiến cho nhiều người đến đây không chỉ muốn tìm lại hương vị cơm tấm ngày xưa mà còn muốn tìm hiểu những điều thú vị về quán cơm tấm “2 vợ 1 chồng” này.
Lưu lại địa chỉ quán cơm này nếu bạn cũng là một tín đồ ẩm thực muốn khám phá thêm văn hoá ở thành phố này: cách Đình Nhơn Hoà tầm 10 mét, đường Cô Giang, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1 để được ăn món cơm tấm đúng chuẩn vị xưa nhé!
Lút Ham