Đằng sau những giấc ngủ an toàn của người bệnh là vai trò to lớn và trách nhiệm nặng nề của bác sĩ gây mê
Xem thêm:
Trong một ca phẫu thuật, đội ngũ y bác sĩ phải làm việc đồng bộ và hợp tác với nhau để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh. Từ bác sĩ phẫu thuật chính, các bác sĩ hỗ trợ, bác sĩ gây mê đến các kỹ thuật viên,… mỗi người trong đội ngũ đều có vai trò và trách nhiệm quan trọng.
Đôi khi các bác sĩ gây mê không nhận được sự công nhận tương xứng với những đóng góp quan trọng mà họ đưa ra trong quá trình phẫu thuật. Trong các ca phẫu thuật, công việc của bác sĩ gây mê không kém phần quan trọng nhưng người ta thường chỉ nhớ đến bác sĩ phẫu thuật chính, đây là sự thiếu sót trong suy nghĩ của nhiều người.
Bác sĩ gây mê là ai?
Các bác sĩ gây mê phải đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật. Họ phải đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh, đưa ra quyết định về loại gây mê phù hợp với liều lượng hợp lý để đảm bảo người bệnh không đau đớn hoặc tổn thương. Ngoài ra, bác sĩ gây mê còn phải kiểm soát sát sao tình trạng của người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo và xử lý kịp thời những sự cố có thể xảy ra.
Tại Việt Nam, để trở thành bác sĩ gây mê, sinh viên ngành Y sẽ phải học và tốt nghiệp ngành Y Đa khoa trong vòng 6 năm. Sau khi hoàn thành, các bác sĩ đã tốt nghiệp phải học thêm chuyên ngành Gây mê hồi sức. Tổng cộng, một người sẽ phải dành trung bình hơn 8 năm để đạt yêu cầu trở thành bác sĩ gây mê. Lý do quãng thời gian dài này như vậy là vì lượng kiến thức đòi hỏi liên quan đến nhiều chuyên khoa khác nên độ khó của phân ngành Gây mê hồi sức là rất lớn, yêu cầu người bác sĩ phải thật sự vững vàng về nền tảng.
Toàn cảnh nhiệm vụ của bác sĩ gây mê
Trước phẫu thuật
Người bệnh sẽ được kiểm tra tổng quát và khám tiền phẫu để phát hiện các dị ứng hay những bất thường có nguy cơ xảy ra trong khi phẫu thuật, đồng thời được cung cấp các thông tin cần được biết khác như tình trạng bệnh, đánh giá chỉ định phẫu thuật, quá trình thực hiện ca mổ. Toàn bộ những việc trên đều sẽ được thực hiện bởi bác sĩ gây mê.
Có nhiều hình thức gây mê (hoặc gây tê) như gây mê toàn bộ, gây tê từng vùng hay dùng thuốc an thần và tùy từng tình trạng yêu cầu mà sơ đồ gây mê sẽ được lập ra để phù hợp với mỗi người bệnh, đảm bảo độ an toàn của giai đoạn gây mê và cả ca phẫu thuật.
Trong lúc phẫu thuật
Bác sĩ gây mê sẽ là người trực tiếp thực hiện giai đoạn gây mê (hoặc gây tê) cho người bệnh trước khi bác sĩ phẫu thuật chính bắt đầu tiến hành phẫu thuật. Đồng thời khi bắt đầu gây mê, bác sĩ sẽ trấn an và động viên để đảm bảo người bệnh trong trạng thái tốt nhất. Khi quá trình này đã hoàn thành một cách an toàn, bác sĩ gây mê sẽ hỗ trợ theo dõi tình trạng và các chỉ số của người bệnh trong suốt ca mổ.
Sau phẫu thuật
Người bệnh sau khi phẫu thuật sẽ được chuyển ra phòng hồi sức chờ tỉnh và theo dõi tình hình. Lúc này, bác sĩ gây mê sẽ trực tiếp theo sát tình trạng của người bệnh cho đến khi ổn định và hỗ trợ người bệnh giảm đau, hồi phục sức khoẻ hậu phẫu.
Nghề bác sĩ gây mê rõ ràng không đơn giản
Như ta thấy, công việc của một bác sĩ gây mê không đơn giản chỉ là làm cho người bệnh không phải chịu cảm giác đau đớn mà song song đó còn phải bảo đảm sự an toàn của họ khi thực hiện một ca phẫu thuật, dù là đại phẫu hay tiểu phẫu.
Kiến thức chuyên môn về ngành Y phải đủ rộng để kiểm soát sát sao những nguy cơ tiềm ẩn xảy đến với người bệnh trong giai đoạn tiền phẫu, kỹ thuật chuyên ngành gây mê phải vững vàng trong phòng phẫu thuật, còn phải đủ kiên nhẫn và cẩn trọng trong chăm sóc hậu phẫu nên các bác sĩ gây mê mang trên mình trách nhiệm lớn vô cùng.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, hãy cùng gửi lời chúc mừng đến các bác sĩ gây mê – những người đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam.
Mỗi vị y bác sĩ đều có một nhiệm vụ với một mục đích chung là giúp cho người bệnh được khoẻ mạnh nên hãy cứ trân trọng những gì họ đang làm vì họ xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp từ những giá trị mà họ mang lại cho cuộc đời này.
Lút Ham