Cảm xúc tiêu cực thật ra… không “tiêu cực” đến thế

by Lút Ham

Như một màu sắc không thể thiếu, cảm xúc tiêu cực góp phần tạo nên bức tranh đa sắc của cuộc sống này. 

Xem thêm:

Cảm xúc luôn tồn tại như những gia vị mà tạo hóa ban tặng cho thế gian. Hỉ, nộ, ái, ố nêm nếm cho cuộc đời của mỗi con người những hương vị đặc sắc hơn, có ngon ngọt, đậm đà, cũng có đắng chát, chua cay. Người ta thường nhìn nhận niềm vui, hạnh phúc như những thứ tốt đẹp và tuyệt vời, còn những buồn bã, hờn giận, suy tư mặc định bị coi là cảm xúc xấu, luôn bị sợ hãi, tránh né. Nhưng liệu rằng, những cảm xúc tiêu cực ấy có tệ đến vậy không? 

Cảm xúc tiêu cực có tác động tốt cho sức khỏe

Nếu định nghĩa về cảm xúc tiêu cực dựa trên nghiên cứu công bố năm 1972 của nhà tâm lý học Paul Eckman thì cảm xúc cơ bản của con người chia ra thành sáu loại: hạnh phúc, bất ngờ, buồn bã, ghê tởm, giận dữ và sợ hãi. Ta có thể thấy bốn trong sáu cảm xúc của con người chính là cảm xúc tiêu cực. Chúng luôn luôn đồng hành cùng với con người và những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, dù ít hay nhiều. 

Ngoài những cảm xúc cơ bản trên, tiêu cực cũng bao gồm cả cảm giác ganh ghét, ghen tị, tuyệt vọng hay đau khổ.

Tiêu cực

Cảm xúc nào cũng góp phần trong sự phát triển tâm lý của con người. Ảnh: Lút Ham

Theo phát biểu của Phó Giáo sư Tâm lý học J.Gruber từ trường Đại học Colorado (2014), người ta thường cố khiến cho cảm giác đau buồn, hờn giận hay những thứ tương tự biến mất nhưng về bản chất, những xúc cảm này lại có ích cho sự hoàn thiện của con người trong phát triển tâm lý và sức khỏe tinh thần. 

Đầu tiên, cảm xúc tiêu cực có thể giúp tăng sự tập trung, phát huy khả năng tư duy biện luận, ghi nhớ chi tiết và thay đổi nếp suy nghĩ rập khuôn. 

Thứ hai, cảm giác buồn bã, đau khổ hay tức giận xuất hiện như những cảnh báo cho con người về những mối đe dọa, những hiểm hoạ hiện hữu trong đời sống, ví dụ như những mối quan hệ độc hại, để tiếp tục tồn tại trong xã hội. 

Cuối cùng, việc cố thay đổi hoặc nén giữ những sự tiêu cực trong tâm trí thay vì chấp nhận chúng sẽ dễ gây nên những phản ứng tiêu cực hơn, khiến chúng trở nên càng trầm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất như rối loạn ăn uống hay thậm chí là trầm cảm dẫn đến tự tử. Do đó, quan niệm biểu hiện trạng thái cảm xúc tiêu cực luôn luôn gây nên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là hoàn toàn không đúng, chưa xét đến những góc độ gây hại, chúng cũng mang lại lợi ích cho sự phát triển và thay đổi của con người.

Tiêu cực là một “gia vị bắt buộc” của cuộc sống

Có bao giờ bạn tự hỏi, rằng nếu thế giới này chỉ có mỗi cảm giác hạnh phúc, con người sẽ sống như thế nào không? Nếu như có một thế giới tồn tại như thế, ắt hẳn nó phải nhàm chán và vô vị lắm! Việc cảm nhận được cả tích cực lẫn tiêu cực giống như một đặc ân. Nó cho người ta cảm giác được sống một cách trọn vẹn như một con người. 

Hãy đối mặt thay vì cố gắng trốn chạy khỏi cảm xúc này. Ảnh: Lút Ham

 

Một chiếc bánh tiramisu chuẩn Ý ngon lành là sự kết hợp tròn vị giữa ngọt thơm, béo ngậy của đường, trứng, phô mai với đắng nhẹ của cà phê và cacao, kèm với chút nồng nàn của rượu. Tất cả những hương vị ấy tạo nên sức hút của thứ bánh truyền thống này. Cuộc đời của một con người cũng vậy, phải cảm nhận được cả ngọt ngào, vui vẻ lẫn cay đắng, buồn đau thì việc tồn tại trên cuộc đời này mới trở nên thú vị, ý nghĩa và nhiều màu sắc. Vậy mới nói, những cảm giác tiêu cực mà con người cảm nhận được cũng là một thứ gia vị cho cuộc sống này thêm đậm đà.

Đi qua những tủi buồn, người ta mới trân trọng những giây phút hạnh phúc.
Ảnh: Lút Ham

Cảm giác hạnh phúc là thứ con người luôn tìm kiếm, tuy vậy, một khi có được quá dễ dàng, người ta lại không còn trân trọng nữa. Chính những cảm giác đau đớn, tuyệt vọng, buồn bã hay sợ hãi sẽ cho con người biết được rằng phải nỗ lực nhiều ra sao để có được thứ cảm giác mà mình khao khát, cho người ta thấy được giá trị của hạnh phúc lớn như thế nào mà biết trân quý.

Vậy nên quản lý cảm xúc tiêu cực như thế nào?  

Trước hết, bạn sẽ phải hiểu rằng né tránh cảm giác tiêu cực là điều không nên và phải học cách quản lý cảm xúc tiêu cực của mình một cách hiệu quả để tránh làm tổn hại đến sức khỏe của mình và người khác về thể chất lẫn tinh thần.

“Đánh trống lảng” tâm trí bằng những hoạt động mà bạn yêu thích cũng là cách thoát khỏi tiêu cực một cách tích cực.  Ảnh: Lút Ham

Một số gợi ý sau có thể sẽ có ích cho bạn trong việc học cách quản lý cảm xúc:

  • Tập chấp nhận cảm xúc của bản thân mình mà không tránh né hay chối bỏ
  • Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực bản thân đang gặp phải để giải quyết từ cốt lõi thay vì chỉ tìm cách giải tỏa
  • Viết nhật ký, hoặc nếu có thể, hãy tìm một ai đó mà bạn tin tưởng và tâm sự cùng họ để xoa dịu cảm xúc đang bị dồn nén
  • Chọn cho mình một vài hoạt động yêu thích để giải tỏa căng thẳng như chạy bộ, chơi thể thao, vẽ tranh, nghe nhạc,…
  • Đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng và đủ khoẻ mạnh để tránh làm gia tăng cảm giác tiêu cực.

Kết

Cảm xúc tiêu cực không tệ như cách mọi người thường nghĩ về chúng, ở cả góc độ khoa học và xã hội. Có thể bạn đã hoặc đang trải qua những cảm giác mà mình không mong muốn, tuy vậy, thay vì cố gắng gồng mình lên mà loại bỏ chúng thì bạn hãy thử chấp nhận và dung hoà chúng với cuộc sống của mình. Việc này có thể sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu và an yên hơn. Khi vượt qua được những buồn đau, ganh ghét, giận hờn, bạn sẽ trân trọng niềm vui và sự thỏa mãn mà mình đạt được. 

Lút Ham

 

You may also like

Leave a Comment