“Chánh niệm “- một khái niệm cũ nhưng là lối sống mới
Xem thêm:
- “Phái mạnh, phái yếu”, quan niệm cũ kỹ?
- 60 giờ tìm về vùng núi Phú Yên: một trái tim khỏe, một cuộc đời vui
Những năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới có nhiều biến đổi về mọi mặt, có nhiều mất mát nhưng bên cạnh đó, đây cũng chính là cơ hội lớn để chúng ta tìm về các giá trị tinh thần nhiều hơn. Trong thời gian đại dịch kéo dài, nhiều bạn trẻ có dịp để nhìn vào trong bản thân, tự chữa lành vết thương tâm hồn vốn tưởng đã bị bỏ lại.
Đó cũng là lúc cụm từ “chánh niệm” vô tình được đề cập đến nhiều hơn.
Trên mạng xã hội, người ta bắt đầu nói rằng từ giờ họ sẽ tập sống “chánh niệm”, hoặc đôi khi là câu nói đùa bâng quơ “chánh niệm tí đi”. Khái niệm “chánh niệm” dần len lỏi vào cuộc sống hiện đại.
Chánh niệm là một khái niệm trong đạo Phật, nó được hiểu là khả năng chú ý đến hiện tại, nhận thức về bản thân và thực tại xung quanh một cách sáng suốt, trung thực. Chánh niệm là sự tỉnh giác, là biết rõ những gì phát sinh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây.
Khi áp dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc, hành động cũng như cảm nhận được những tác động của chúng lên bản thân và xung quanh chúng ta.
Chánh niệm có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc cá nhân của mình khi đã nhận biết và thấu hiểu được cảm xúc, suy nghĩ, hành động của mình một cách chính xác.
Thông qua việc tập trung vào hiện tại một cách đầy đủ, chúng ta có thể nhận ra những cảm giác tiêu cực hoặc hành động không tốt của mình và điều chỉnh để trở thành một người tốt hơn.
Từ đó, bên cạnh những lối sống minimalist (sống tối giản), lagom (sống biết vừa đủ) kiểu Thuỵ Điển, kiểu hygge (hạnh phúc từ những điều đơn giản) của người Đan Mạch lại có thêm chánh niệm, tạm hiểu là sống trọn từng phút giây hiện tại. Giới trẻ lại có thêm một điểm tựa tinh thần giữa thế giới đầy biến động này.
Liệu các bạn trẻ đã thật sự hiểu rõ về chánh niệm?
Mạng xã hội hiện nay có vô vàn những bài đăng của các bạn tuyên bố rằng mình đang sống chánh niệm, có những cách hiểu phiến diện hoặc mỹ miều hóa, lãng mạn hóa chánh niệm.
Một hiểu lầm phổ biến về khái niệm này là “chánh niệm chỉ liên quan đến đạo Phật”. Điều này không đúng hoàn toàn bởi chánh niệm có thể được áp dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, không chỉ trong đạo Phật.
Chánh niệm không phải là thiền, cũng không phải là một cách để bạn thư giãn nghỉ ngơi – bạn có thể thực hành chánh niệm theo cách này nhưng đây không phải định nghĩa đủ về lối sống này.
Có hai điều mà bạn cần ghi nhớ khi thực hiện chánh niệm bao gồm: Việc nhận thức bản thân đang sống trong thực tại và chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, không phán xét, đánh giá, tích cực hóa hay cố gắng xua đuổi.
Chánh niệm giúp chúng ta hiểu về bản sắc cá nhân
Bản sắc cá nhân là đặc điểm riêng biệt và độc đáo của mỗi cá nhân, bao gồm giá trị, suy nghĩ, cảm xúc, kỹ năng và hành vi. Đây là những điểm khác biệt giữa các cá nhân, giúp xác định tính cách, quan điểm, sở thích và cách thức tiếp cận cuộc sống của mỗi người. Hay ngắn gọn hơn, bản sắc cá nhân phản ánh những điều cốt lõi bên trong con người chúng ta.
Chánh niệm khiến ta hiểu rõ hơn về bản sắc cá nhân bằng cách giúp ta nhận ra, sau đó chấp nhận những đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm của chính mình. Nó giúp ta đối mặt và xử lý với những cảm xúc và suy nghĩ “độc hại” của bản thân, từ đó có thể thay đổi và phát triển bản sắc cá nhân một cách tích cực hơn.
Kiểm soát những cuộc chiến nội tâm
Dòng chảy tâm lý bao gồm hai loại trải nghiệm: trải nghiệm thực tế từ môi trường bên ngoài (external environment) và độc thoại nội tâm (internal monologue).
Dòng chảy tâm lý của mỗi người được hình thành dựa vào thế giới mà họ sống và những kích thích bên ngoài. Và giọng nói nội tâm hay còn gọi là “Default Mode Network” là thứ mỗi chúng ta phải đấu tranh với chúng mỗi ngày để điều khiển dòng chảy này.
Giọng nói nội tâm hoạt động khi chúng ta thiếu sự liên kết với thế giới bên ngoài mà lại quá tập trung vào suy nghĩ bên trong. Do đó, nó khiến ta lo lắng về quá khứ và tương lai mà ít chú tâm vào hiện tại, nhiều dạng tổn thương về tinh thần cũng bắt nguồn từ giọng nói nội tâm.
Những nhà tâm lý học cho rằng chánh niệm có thể giúp cho não bộ chúng ta được nghỉ ngơi, cho chúng ta được tách khỏi luồng suy nghĩ đang đấu tranh bên trong mỗi người.
Theo một số nghiên cứu, default mode network sẽ ít ảnh hưởng đến những người thiền định lâu năm hơn là những ai không thực hiện thiền định. Việc thực hành chánh niệm có thể giúp chúng ta thay đổi nhận thức và kiểm soát những cuộc chiến nội tâm.
Chánh niệm không phải là một liều thuốc thần thánh để giúp bạn có thể ngay lập tức giải quyết những rắc rối đang hiện hữu, nhưng chánh niệm có thể giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận những việc đang diễn ra xung quanh. Từ đó, chúng ta có thể tự giải quyết những vấn đề của riêng mình và nhìn nhận lại bản thân một cách sâu sắc và đúng đắn hơn.
Bắt đầu thực hành chánh niệm từ những hành động nhỏ
Với những lợi ích kể trên, tôi tin rằng đây là lối sống đáng để lan tỏa. Để làm quen với lối sống này, chúng ta có thể thực hành chánh niệm từ những hành động nhỏ. Bắt đầu bằng việc tập trung vào những hành động đơn giản trong cuộc sống hàng ngày và chú ý đến cảm xúc và suy nghĩ của mình như:
- Tận hưởng những điều đơn giản
Một trong những cách thức đơn giản nhất để thực hành chánh niệm cho người mới bắt đầu là để bản thân mình có một ít thời gian thư giãn trong ngày. Trong vài phút rảnh rỗi, bạn có thể bật một bài hát mà mình yêu thích và nằm xuống tận hưởng. Chú ý hơn đến cảm xúc của bản thân khi ăn một món ăn hay chào ngày mới với tâm trạng biết ơn. Tận hưởng những thứ nhỏ bé, đơn giản để có thể lắng nghe những rung động dễ chịu ngay trong lòng bạn.
- Để bản thân tận hưởng cảm xúc buồn chán
Thay vì luôn dán chặt mắt vào điện thoại, “vui ảo” trên mạng xã hội mỗi khi rảnh, hãy để cho bản thân của mình có khoảng thời gian “buồn chán thật” trong cuộc sống đời thực.
Trong thực tế, đã có nhiều minh chứng cho thấy rằng sự buồn chán có thể giúp bạn thúc đẩy khả năng sáng tạo và hiệu quả trong công việc. Đã có không ít trường hợp trong lúc buồn chán, người ta lại phát hiện ra những điều mới trong cuộc sống mà đôi khi trước đó mình đã bỏ qua, hoặc tìm ra một sáng kiến nào đó để giải quyết những khó khăn mà mình đang gặp phải.
- Để tâm đến suy nghĩ của mình
Nhiều người thường khuyên rằng hãy luôn suy nghĩ tích cực và loại bỏ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực ra khỏi bản thân mình. Tuy nhiên, một trong những cách thực hành chánh niệm là thay vì lảng tránh và kìm nén những suy nghĩ tiêu cực thì hãy quan sát và tìm hiểu nguyên căn của chúng.
Những suy nghĩ khi bị dồn nén sẽ không bị biến mất, trái lại, chúng sẽ như một quả bom nổ chậm có thể bộc phát bất kỳ lúc nào và trở thành những cơn giận dữ hay những hành động tiêu cực.
Khi cảm thấy buồn bã hay tức giận, đừng cố ép bản thân loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí của mình. Hãy bình tĩnh suy nghĩ để tìm ra vấn đề cốt lõi gây nên những cảm xúc tiêu cực đó và tìm cách tháo gỡ.
- Tập trung vào từng việc nhỏ
Các bạn trẻ ngày nay luôn bị cuốn vào guồng quay công việc, đôi khi các bạn có thể làm nhiều việc trong cùng một lúc. Khoa học đã chứng minh rằng, não bộ con người chỉ nên tập trung vào một việc trong cùng một lúc.
Nếu muốn việc bạn làm đạt được hiệu quả cao hơn, hãy làm từng việc một thay vì làm nhiều việc cùng lúc. Thực tế, việc đa nhiệm không làm tăng hiệu quả công việc, ngược làm điều này còn làm giảm chất lượng của từng đầu việc.
Những hành động trên này có thể giúp bạn bắt đầu tập trung vào hiện tại và trở nên tỉnh thức hơn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Theo thời gian, bạn có thể mở rộng phạm vi thực hành chánh niệm của mình.
Người sống chánh niệm tập trung vào hiện tại, chú ý đến cảm xúc và suy nghĩ của mình, không đánh giá và biết buông bỏ những thứ cần thiết, biết chấp nhận chuyện đã qua. Đó chẳng phải những khía cạnh để chạm đến hạnh phúc sao?
Lút Ham