Đôi vợ chồng già giữ nghề làm lồng đèn tre ở Sài Gòn

by Thùy Dương

Giấy kiếng, lõi tre, hồ dán,… những thứ quen thuộc với trẻ con làng quê những năm tháng xưa cũ độ trăng rằm tháng 8 âm lịch lại được dịp quay về. Giữa chốn thị thành, khi bao thứ đua nhau phát triển theo thời đại, đồ điện tử đã và đang chiếm thế thượng phong thì may mắn thay, vẫn còn những người ngày đêm lưu giữ lý tưởng, gìn giữ những nét đẹp truyền thống.

Năm đại dịch vừa qua, hầu như ngành nghề nào cũng gặp không ít trắc trở và cả nghề làm lồng đèn tre cũng thế. Nhưng nếu không do đại dịch thì những mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng có phần kém sôi động hơn đồ điện tử vì chúng có tính chất hiện đại, mẫu mã đa dạng và “rẻ” hơn.

Để làm ra một chiếc lồng đèn bằng công nghệ hiện đại như ngày nay, thì chỉ cần một dây chuyền máy móc là có thể làm ra một lúc rất nhiều cái. Nhưng đối với lồng đèn tre thì không như thế, để có được một chiếc lồng đèn bằng tre phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, đặt cả tâm tư vào ấy, mới có thể thành phẩm tới tay người dùng tốt nhất.

Để hiểu rõ hơn về nghề làm lồng đèn, tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng chị Thu Hồng, người con gái với tuổi thơ lớn lên cùng đôi bàn tay cha trau chuốt cho từng sợi tre, là những ngày tháng cùng mẹ khéo léo điểm tô đường nét lên chiếc lồng đèn, là một cô gái với khát khao giúp bố mẹ giữ lửa cho chiếc lồng đèn tuổi thơ.

Gia đình mình đã theo nghề truyền thống được bao lâu?

“Bố mẹ em sinh ra trong làng nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống. Cái nghề đã theo ông bà từ bé đến nay cũng đã hơn 65 năm rồi. Có đoạn thời gian ông bà lên thành phố lập nghiệp nên đã bỏ nghề vì làm quá cực nhưng thu nhập lại thấp. Đến tuổi hưu ở nhà buồn, không muốn phụ thuộc con cái, nên ông bà đã quay lại với nghề (khoảng 8 năm đổ lại đây).”

Làm lồng đèn truyền thống rất cực, không đơn giản in máy một loạt. Để có được những chiếc lồng đèn tỉ mỉ như vậy ông bà làm đúng một năm trời mới xuất đi vào mùa Trung Thu. Ảnh NVCC

Để cho ra một chiếc lồng đèn tre, đã phải trải qua những giai đoạn nào ?

“Đầu tiên, bố mẹ mình sẽ mua tre về chẻ, ngâm nước cho dẻo rồi dùng lon uốn cong từng thanh tre, sau đó phơi nắng để tre ko bị mọt. Sau đó, mình phải cắt kẽm cột tre để tạo hình cho phần khung. Giấy kiếng được chuẩn bị sẵn để lắp vào từng bộ phận, mẹ mình sẽ nấu hồ quét lên từng thanh tre. 

Công đoạn pha phẩm màu khá đặc biệt, nếu pha không đúng tỉ lệ màu sẽ không sáng, không bám vào giấy kiếng, đèn sẽ xấu hoặc hư. Bố mẹ mình sẽ tỉ mỉ vẽ hình ảnh lên từng bộ phận, sau đó đợi khô, gắn lò xo đèn cầy, cột dây và đóng gói xếp lại. Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng và đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Nhìn vậy chứ cặm cụi làm từ sáng sớm đến tối, làm công phu lắm nên mỗi ngày chỉ làm được hơn 10 cái thôi”.

Vì Ông Bà làm cẩn thận từng chiếc đèn, vẽ rất kĩ không theo số lượng mà vẽ nguệch ngoạc như đèn chạy sỉ ở chợ mà giá lại rẻ, nên năm nào mối cũng đặt nhiều.Ảnh NVCC

Đây cũng xem như niềm vui khi về già của Ông Bà, vừa kiếm được thêm ít thu nhập lại không phụ thuộc con cái, mặc dù con cái nhiều lần bảo Ông Bà nghỉ ngơi đừng làm nữa.Ảnh NVCC

Điều gì đã thôi thúc chị quyết tâm giúp ba mẹ giữ lửa cho nghề làm lồng đèn tre?

“Thật sự, mình rất tự hào vì những giá trị truyền thống mà bố mẹ mình giữ lại hơn 65 năm nay. Mỗi lần nhìn thấy chiếc lồng đèn giấy kiếng, làm từ tre vẽ lên bột màu… Thì hầu hết các bạn 8x 9x đều nhớ lại những ngày trung thu xưa. Cùng những kỉ niệm đốt đèn đi chơi khắp xóm… Các bạn nhỏ bây giờ chắc không thể hiểu được cảm giác đó đâu nhỉ.

 

Chị Thu Hồng với khát khao mang chiếc lồng đèn tuổi thơ đến với mọi nhà.Ảnh NVCC.

Lồng đèn điện tử bây giờ, tuy có nhiều điểm hiện đại và phá cách hơn. Nhưng đối với mình thì chẳng có cảm xúc gì cả, chẳng khác gì một món đồ chơi mới lạ, có thể là trend lúc ấy, nhưng chẳng để lại chút ấn tượng nào….

Mỗi lần nhìn thấy chiếc lồng đèn truyền thống, cảm xúc nó khó tả lắm… Như kiểu được trở về những ngày bé, cả xóm con nít tụ tập với nhau, đến tối mỗi đứa một cây đèn cầy cắm vào lồng đèn rồi cùng nhau rước đèn dưới trăng, vì thế mình hy vọng lưu giữ và nhiều thế hệ sẽ biết đến chứ không chỉ là ký ức của những người hoài niệm”.

Xin cảm ơn phần chia sẻ của chị!

 

You may also like

Leave a Comment