Trang Kim Sa – từng là một cái tên đầy kiêu sa, hãnh diện trong các đoàn lô tô tạp kỹ ở Việt Nam trong những thập niên 70, 80. Cứ hễ sân khấu lô tô nào có cái tên “Trang Kim Sa” trên những tấm áp phích quảng cáo là y như rằng đêm đó “cháy” vé. Nhưng rồi chỉ bằng một cơn tai biến ở tuổi 65, “Bà hoàng” ngày nào đành trở về với cuộc sống không nhà cửa, không tiền bạc, không họ hàng thân thuộc nhưng đến cuối cùng… vẫn còn lại bên đời một người bạn tri kỷ.
Dưới cái nắng oi ả của Sài Gòn, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn đến nơi mà ông Sang và người bạn tri kỷ đang sinh sống. Đó là một căn trọ nhỏ tọa lạc trên đường số 13 (Q. Thủ Đức). Tôi bước về phía cánh cửa nhà đang mở, tôi bất chợt lặng người đi vài giây khi thấy một thân hình gầy gò đang nằm trên tấm phản nhỏ, ọp ẹp chỉ đủ một người nằm. Tôi cất tiếng gọi thì một gương mặt có vẻ hơi ngạc nhiên, đôi mày lá liễu được phun xăm gọn gàng, sắc bén khẽ nhíu lại, đôi môi trái tim chúm chím có đôi chút đo đỏ khẽ nói: “Cô tìm ai?”. Tôi nói tôi tìm ông Sang, có nghệ danh là Trang Kim Sa thì lúc ấy gương mặt kia mới dịu xuống, khẽ nói: “Mời cô vào đây ngồi.”
Tôi gợi hỏi về những gì đã trải qua, về bà Hoàng lô tô – Trang Kim Sa năm nào, ông bắt đầu hồi tưởng và kể lại cho chúng tôi nghe về quá khứ, những năm tháng vàng son dưới ánh đèn xanh đỏ của sân khấu, cũng như những năm tháng ông cố gồng gánh, chịu đựng và biến cố ác liệt nhất đời mình.
Luôn “gồng mình” trong thể xác mang tên Ngô Văn Sang
Trang Kim Sa tên thật là Ngô Văn Sang (1950), được sinh ra trong một gia đình ở Sài Gòn có đủ cả cha mẹ và được học hành đàng hoàng. Nhưng rồi biến cố ập đến, năm 15 tuổi, ông phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải tự bươn chải cuộc sống. Càng lớn dần, ông càng nhận rõ ông đang mang thể xác làm trai nhưng lại mang tâm hồn của một người con gái.
Ngày trước, những khái niệm LGBT, đồng tính chưa có và chưa phổ biến như hiện tại, những người như ông Sang bị xã hội gọi bằng cái tên đầy sự khinh miệt, mỉa mai “bê đê”. Ở thời điểm đó, họ rất khó để bộc lộ, mấy ai mà dám sống đúng với con người thật, giới tính thật của mình. Do vậy, ông Sang giấu nhẹm, không dám chia sẻ với ai bởi có nói ra cũng chẳng ai hiểu, đồng cảm cùng ông. Và thế rồi ông chấp nhận “gồng” để không bị xã hội khinh miệt vì trót mang phận đời “bê đê”.
Năm 18 tuổi, nhà nước bắt đi quân dịch, ông lựa chọn vào không quân vì ông cho rằng: “Thời ấy, lính không quân và lính hải quân là sướng nhất, là ngon nhất. Chứ lính bộ cực lắm, khổ lắm.” Đó cũng là cái duyên đưa ông đến với ông Tú – một người bạn cùng đơn vị và là người hiểu ông nhất, thương yêu ông nhất. Khi tôi hỏi về “người bạn ấy” ông ngừng lại vài giây và chậm rãi nói: “Người đó đi nước ngoài rồi.
Hồi đó, Tú là một người bạn rất thương yêu mình, hy sinh tất cả vì mình. Lúc đó còn trẻ mới 18, 19 tuổi gì à, nói rất thương mình, cũng biết là mình như vậy nhưng vẫn chấp nhận. Sau khi đi lính về, Tú có dẫn về nhà Tú ở chung với gia đình. Mọi người không biết tôi và Tú quen nhau, chỉ nghĩ là bạn bè. Nhưng ác sao, em gái Tú lại yêu mình. Nếu mà không có nhỏ em giá đó, thì mình đi chung với Tú rồi.” Nghe ông kể, tôi thoáng thấy chút buồn và vương vấn hiện trên đôi mắt của ông. Dứt lời, đôi mắt sâu hoằm, nhìn xa xăm về phía bức tường căn trọ đầy ắp đồ đạc, vật dụng cũ.
Và rồi, sau đó ông tham gia thanh niên xung phong, khi trở về thì sống chung với Lê Thị Kim Ngân (67 tuổi, thường gọi là bà Hai) – một người bạn từ thủa nhỏ, sát vách nhà, chia nhau từng miếng bánh miếng kẹo. “Hồi ổng đi lính, tôi lên thăm, ổng cự nự thăm chi mà thăm miết. Mà hễ gặp là bảo thèm ăn này thèm uống kia, hỏi coi tôi không lên sao đặng.” Bà Hai bộc bạch tâm sự.
Năm 35 tuổi, ông Sang có với bà Hai một cô con gái. Ấy vậy mà ông đi miết, đâu có mấy khi ở nhà. Chừng cô con gái được 3 tuổi, ông đi theo gánh hát, đoàn hát lô tô, rong ruổi khắp mọi miền đất nước, rày đây mai đó để trở về với con người thật của mình và thỏa lòng đam mê ca hát. Cũng từ đó, ông không điện thoại, thư từ gì về cho bà Hai. Cứ vậy mà biệt tích hơn hai mươi mấy năm trời.
Tìm về chính mình dưới ánh hào quang sân khấu
Ở tuổi thất tuần, Trang Kim Sa vẫn đẹp với nước da trắng ngần, sống mũi cao và đôi môi trái tim chúm chím. Người ta chỉ nhận ra đó là một “người đàn ông” khi ông cất giọng nói có phần trầm đục, kể về câu chuyện đời mình đã chôn vùi hàng năm tháng.
Mới đầu, ông Sang chỉ đi hát ở các đám tiệc, đám cưới, đám cưới rồi lần lần mới được bạn bè giới thiệu cho đi các đoàn hát. “Nhật Huy là nghệ danh khi những đoàn hát chính thống bắt mình là con trai, còn Trang Kim Sa là cái tên tôi dành để gọi khi tôi được là chính mình. Tôi thường chọn đoàn lô tô để đi vì hầu hết ở các đoàn lô tô họ đều cho mình giả gái, lúc ấy tôi được thỏa mãn với con người của mình, được sống đúng với con người của mình.” – ông Sang với vẻ mặt mãn nguyện, bộc bạch chia sẻ cùng chúng tôi.
Giữa năm 1983, dẫu biết là nguy hiểm nhưng nó chẳng thể cản lại khát khao được làm đàn bà, cô đào Kim Sa cùng bạn bè trong đoàn quyết định tự chuyển giới. “Không biết cái gì hết, chỉ biết liều. Chị em trong đoàn tự chích đại cho nhau, cứ thế chích từ mũi, môi, má, ngực, mông không thiếu thứ gì hết. Bất chấp hết, chết cũng được con ơi”, ông Sang tâm sự. Ai cũng sợ chết, nhưng khi đặt mình vào suy nghĩ của những “phận đời bóng gió” thì mới biết, họ luôn luôn ao ước được sống thật với con người của mình thì việc chấp nhận đặt cược tính mạng để thỏa khát khao cũng là điều dễ hiểu.
“Chết nhiều lắm, cũng mấy chục người chứ không ít. Vì không có nghiệp vụ, cứ chích thí, chích đại cho nhau. Người chết ngay lúc đó vì sốc thuốc, người vì “thích bự”, bơm quá liều nó vỡ ra, cũng chết. Nhưng ai cũng chuẩn bị tinh thần hết cả, “thí mạng cùi” mà. Sống không là chính mình thì cũng như chết đi thôi” – Ông Sang tưởng nhớ lại những người bạn bè trong đoàn năm xưa.
Dọc từ Nam chí Bắc, từ các tỉnh miền Tây cho tới Nha Trang, Bình Định rồi Bắc Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, cô đào Trang Kim Sa cứ thế mấy chục năm sống mãnh liệt với đam mê dưới ánh đèn sân khấu lập lòe. “Có những đợt mưa lũ miền Trung, đâu có mần ăn hát hò gì được, cả đoàn “đói nhăn” rau cháo qua ngày, bà con thấy thương cũng đem cho ít này ít nọ. Coi bộ cái nghề này bạc cũng nhiều mà vui cũng nhiều lắm, không kể đâu cho hết”, ông Sang bồi hồi nhớ lại.
“Đang là chính mình, đang sống với cái nghiệp tổ đãi, tự dưng phải bỏ ngang, sao không tiếc, không buồn cho đặng… Trước khi nhắm mắt, tôi chỉ mong một lần được điểm phấn tô son, trở lại sân khấu, đứng kêu câu “cờ ra con mấy” là mãn nguyện rồi”, ông Sang chia sẻ.
Xem thêm:
Sau biến cố cuộc đời, Trang Kim Sa tìm về với Tri kỷ
Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy cho đến năm 65 tuổi, một cơn tại biến ập xuống như giáng một đòn chí tử vào ông. Ông bị liệt nửa người, đi lại khó khăn. Từ một bà hoàng của sân khấu lô tô, giờ đây chỉ còn lại hai bàn tay trắng.
“Khi đổ xuống không có ai hết, chỉ mình mình chịu thôi. Nằm bệnh viện một thời gian, mình mới liên hệ với người cũ, cũng quen hồi xưa. Rồi thời gian cũng xa cách mấy chục năm, mình điện thử, thử coi tại vì còn mỗi người đó là thân thôi. Điện thoại xong thì người đó cũng hiểu và biết, chấp nhận trở lại. Nhờ vậy mà sống tới ngày hôm nay.” – Ông Sang bộc bạch chia sẻ.
Đã qua hơn nửa đời người, cũng đã trầy da tróc vẩy với cuộc sống mưu sinh, nhà cửa cũng không có đàng hoàng, vậy mà bà Hai vẫn quyết định đưa ông về căn trọ nhỏ, hai thân già rau cháo qua ngày, nương nhau mà sống cho hết kiếp người.
Hằng ngày, ông đi bán vé số, được đồng nào thì phụ bà mua cục thịt, trả tiền trọ. Bà thì không đi làm nữa, vì tuổi bà cũng đã cao, tay chân hay bị nhức mỏi nên sống nhờ vào tiền của người em bên Mỹ gửi về hàng tháng. “Bà Hai không đi làm thật, vì sức bà cũng không thể làm nổi nữa với đi làm thì cực quá mà không được mấy đồng. Em của bà bên Mỹ xót chị, nên gọi về bảo đừng đi làm nữa, nghỉ đi rồi hàng tháng gửi về cho ít đồng, tiết kiệm chút mà xài.” – Bà Sáu, hàng xóm của ông bà cho hay.
Bây giờ, ông mua cục thịt thì bà mua bó rau, ông đóng tiền nhà thì bà đóng tiền điện, nước. Tờ mờ sáng là ông bà thức dậy, bà dọn dẹp nhà cửa, pha sẵn cho ông ly cà phê, nấu cho ông bữa ăn rồi ông đi bán, ngày 2 lần. Còn bà ở nhà, lụi cụi nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa rồi trông ông về.
Cuộc sống cứ như vậy mà tiếp diễn, cứ trôi đi một cách bình dị và yên bình.