Trước làn sóng sa thải hiện nay, có những người trẻ vẫn mạnh mẽ đương đầu với cơn bão bằng chính sự bản lĩnh, tự tin của mình.
Những ngày qua, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về “bão sa thải” khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Cụ thể, từ quý IV năm 2022, nỗi lo suy thoái toàn cầu đang lớn dần, khiến cho các doanh nghiệp lớn nhỏ gặp nhiều khó khăn, buộc phải tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương giảm giờ làm để duy trì doanh nghiệp.
Việc cắt giảm nhân sự dẫn đến sa thải hàng loạt các nhân sự đang trở thành cơn bão khiến nhiều người quan tâm. Đồng thời, gây ảnh hưởng tâm lý đến người lao động hiện nay. Trước làn sóng sa thải lớn đang càn quét toàn cầu thì nhiều Gen Z lại phát huy sức trẻ, biến “nguy” thành “cơ”.
Xem thêm:
Sáng tạo phương thức tìm việc
Theo Forbes, Gen Z – Thế hệ trẻ có năm sinh được tính từ 1997 đến 2012; chiếm khoảng 12,6% lực lượng lao động và sẽ tăng lên khoảng 25% vào năm 2025.
Qua các diễn đàn trên Facebook, nếu “thâm nhập” vào các group dành cho Gen Z thì không khó để bắt gặp những chủ đề nổi bật mà thế hệ này đang quan tâm. Tuy nhiên, trong số đó lại không có từ khóa “bão sa thải” mà thay vào đó là các chủ đề xoay quanh trong môi trường công sở, văn hóa đi làm hay thậm chí là nhảy việc.
Điển hình như cô nàng Trần Trịnh Thanh Hiền (SN 1998, Thanh Hóa) – một Gen Z đời đầu đã lập hẳn một fanpage để chạy quảng cáo cho CV của mình để tiếp cận với nhà tuyển dụng thay vì tìm job, nộp CV như lẽ thường. Điều “độc lạ” này không chỉ mau chóng gây sốt trong cộng đồng Gen Z mà còn tạo sự thích thú, ấn tượng cho nhà tuyển dụng và nhiều người khác trong lĩnh vực Marketing – Truyền thông
Có thể nói, Thanh Hiền là một trong số những người trẻ không lo sợ mất việc trong bối cảnh khó khăn hiện tại mà ngược lại vẫn đang tìm kiếm công việc tốt hơn bằng chính sự chủ động, sáng tạo của mình. Với những người trẻ như Hiền, có lẽ việc có một người Sếp tốt, làm công việc họ cảm thấy yêu thích, thoải mái hay tìm một công việc khác tốt hơn để nhảy… sẽ là điều họ quan tâm hơn cả thay vì phải đối diện với nỗi lo mất việc.
Mặt khác, Gen Z được sinh ra trong bối cảnh công nghệ đóng vai trò tất yếu trong cuộc sống và lại tham gia vào thị trường lao động trong thời điểm toàn cầu thay đổi môi trường làm việc từ “offline” sang “online” do tác động của đại dịch Covid-19. Thay vì sợ hãi trước sự chuyển biến mới mẻ, Gen Z đã chủ động thích ứng và tạo ra cơ hội việc làm ngay trên không gian mạng xã hội, internet.
Vượt qua “sợ hãi” trước “bão sa thải”
Trên một group cộng đồng lớn của Gen Z, chị Nguyễn Lệ Giang, HR tại Decathlon Việt Nam đã có bài chia sẻ về “3 tips để Gen Z vẫn được thăng chức & tăng lương trước mọi bão sa thải”. Theo chị, có 3 cách để vượt bão, đó là tập trung vào giá trị mà bạn đóng góp, không ngừng mở rộng phạm vi trách nhiệm công việc và tạo sự ảnh hưởng tích cực đến người khác.
Cụ thể, chị Lệ Giang cho biết: “Giá trị đóng góp của mỗi cá nhân chính là thứ mà công ty tuyển bạn và trả lương cho bạn. Giá trị đó không chỉ thể hiện trực tiếp ở những chỉ tiêu tài chính như: tạo ra doanh thu hoặc tối ưu hóa giảm chi phí mà còn gián tiếp thể hiện ở năng suất và hiệu quả làm việc, cùng những cải tiến cho doanh nghiệp của bạn”.
Theo đó, muốn thực hiện việc này tốt hơn, chị khuyên các bạn trẻ cần: “Tập trung vào chuyên môn, làm tốt các KPIs đề ra. Nhìn nhận được các vấn đề hiện tại mà công ty và những người khác gặp phải, cố gắng giải quyết nó một cách hệ thống, có những giải pháp phòng ngừa cho những tình huống trong tương lai”.
Ở cách “vượt bão” tiếp theo, chị Lệ Giang đã chia sẻ bí kíp giúp người trẻ chứng tỏ được tiềm năng phát triển của mình. Theo đó, hiện trạng chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là muốn tối ưu nguồn lực, tinh giản bộ máy nên muốn ở lại hay phát triển bản thân thì cần phải đa nhiệm, sẵn sàng cho những cơ hội mới tại công ty chứ không phải chỉ là làm tốt việc chuyên môn.
Với cách vượt bão cuối cùng, chị giải thích: “Hiểu đơn giản, ảnh hưởng tích cực thể hiện ở: năng lượng tích cực, chia sẻ kiến thức không giấu giếm, có khả năng kết nối để mở rộng phạm vi không chỉ trong phòng ban của bạn và tạo ra sự thay đổi”.
Ngoài ra, muốn “khoe” được tất cả với sếp trong kỳ review performance và review lương sắp tới thì điều Gen Z cần làm là hãy làm rõ vai trò trách nhiệm ngay từ đầu năm, theo dõi tiến độ, cùng với sự lượng hóa thành các con số, số liệu cụ thể.
Tóm lại, dù trong bối cảnh nào, ‘”bão sa thải” có hoành hành đến đâu thì người trẻ nói riêng và người lao động nói chung đều hãy tập trung phát triển bản thân và chứng minh giá trị của bản thân thông qua sự cống hiến, nỗ lực trong công việc. Chỉ có như thế, bản thân mới có sự sẵn sàng, thích ứng với mọi sự thay đổi và có thể đứng vững trước bão giông.
TT