Những ngày cuối năm bên nồi bánh tét

by Thùy Dương

Công việc gói bánh tét không phải là công việc dễ làm. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực và cả kỹ năng, vì thế cần phải có nhiều người làm, đặt biệt là người có kinh nghiệm gói bánh. Cũng chính vì thế mà dịp nấu bánh tét vô tình lại trở thành dịp mà mọi người trong nhà tụ họp, quây quần bên nhau để làm bánh. 

Việc cúng biếu vào dịp Tết của người Việt Nam ta là một phong tục có từ lâu đời, trong đó món ăn mang lên cúng thì thường là bánh chưng hoặc bánh tét. Ảnh Internet

Ông bà nội tôi thường là người khởi xướng cho công việc này, cứ tầm 27 Tết thì ông bà lại bắt đầu kêu gọi cha mẹ và cô chú trong nhà họp lại một ngày để cùng làm bánh tét và mang lên bàn thờ cúng biếu tổ tiên. 

Bắt đầu vào ngày 29 âm lịch, mọi người trong nhà cùng nhau xúng xính mang nguyên vật liệu tới, người thì mua lá chuối, người mua gạo nếp, người thì mua thịt, đậu xanh để chuẩn bị gói bánh cho kịp đêm 30. Với tôi Tết không chỉ đơn thuần là đi thăm xuân, chúc Tết mà còn là những ngày hối hả chạy đi mua sắm và cùng sum họp gói bánh tét.

Gạo nếp được mẹ vo thật sạch rồi để ngâm khoảng 2 tiếng cho nở ra. Ảnh Thùy Dương

 

Có nhiều nhà vì sự bận rộn, đã không còn ngồi lại bên nhau gói bánh, với gia đình mình thật may điều ấy vẫn còn, những công đoạn đó tuần tự sẽ diễn ra thế này. Đầu tiên chính là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh, sau khi sơ chế gạo nếp, mẹ qua phụ cô tôi chuẩn bị phần nhân bánh. Phần nhân bánh nhà tôi làm sẽ gồm 2 nguyên liệu chính đó là đậu xanh và thịt heo. Đậu xanh thì cũng rửa kỹ và ngâm bằng nước cho mềm. 

Phần thịt được cắt lát mỏng, tẩm ướp gia vị cho vừa ăn. Ảnh Tùy Dương.

Tôi và những đứa em nhỏ thì cùng phụ ông bà lau khô những tàu lá chuối được rửa trước đó để gói bánh. Tôi được bà chỉ cho cách lau lá cho thật sạch đó là lau theo đường nét của lá, sau đó lại quệt thẳng một đường vuông góc là xong. Bố tôi cùng các chú thì lo chuẩn bị việc đốn củi, chuẩn bị nồi nấu sẵn sàng.

Lau lá chuối cũng là những pha uyển chuyển và cần làm tỉ mỉ không qua loa. Ảnh Internet.

Khi nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, mọi người bắt tay vào việc gói bánh, ông bà cùng cô chú, những người có kinh nghiệm gói bánh sẽ đảm đương công việc này. Tôi thấy ông lấy những chiếc lá chuối xếp vuông góc với nhau, 2 lá có mặt phải úp xuống và 2 lá có mặt phải ngửa lên. Tiếp theo, ông lấy chén nếp nhỏ đổ lên trên mặt lá đã xếp sẵn, tiếp là cho vào giữa 1 vá đậu xanh, một vài lát thịt vào chính giữa, một lớp đậu xanh nữa và cuối cùng là thêm một lớp nếp phủ kín phần nhân. Sau đó ông nắm hết hai mép lá chuối rồi gấp đôi lại, cuộn tròn hơi chặt tay để bánh được chắc. Ông lấy 1 sợi dây lạt ở phần giữa bánh để giữ cố định rồi tiếp tục gấp lá chuối lại cột bên trên và bên dưới bánh đều nhau, cho ra hình trụ tròn vô cùng xinh xắn.

Mọi người cùng theo ông gói từng chiếc bánh, tay ai cũng đều thoăn thoắt, chẳng mấy chốc mà đã gói được vài chục cái. Ảnh Thùy Dương.

Khi những người bên trong gói bánh sắp xong thì những người bên ngoài vườn cũng đã đốn củi và nhóm lửa xong. Bố tôi lấy ra một cái nồi thật lớn, nồi này là nồi chuyên dụng để nấu bánh chưng, bánh tét vào ngày Tết. Bố lấy những chiếc lá chuối còn thừa xếp vào dưới đáy nồi, bố nói làm vậy để nấu bánh ngon hơn, bánh sẽ không bị cháy khi đun lửa quá lâu.

Những cái bánh tét sau khi gói xong có một màu xanh mướt được xếp vô cùng gọn gàng, chúng được đặt vào nồi theo chiều thẳng đứng, xếp san sát nhau. Ảnh Thùy Dương.

Sau đó đổ nước vào nồi sao cho ngập hơn mặt bánh một chút rồi mang nồi lên lửa mà đun thôi. Trong các công đoạn thì tôi thấy công đoạn nấu bánh là vất vả nhất, thường phải canh liên tục xem nồi bánh có khô nước không để chêm thêm vào, canh lửa có đủ tốt không. 

Nấu bánh tét cho đến khi chín mềm bên tròng thì phải mất hơn một ngày, vì thế nó thường kéo dài qua đêm. Bố tôi là người phụ trách chính trong việc nấu bánh, thế nên tôi đã xung phong cùng bố thức trắng đêm để canh nồi bánh. Cứ cách một hai tiếng, bố lại lấy thêm nước chêm vào nồi, điều chỉnh ngọn lửa sao cho vừa phải để bánh chín đều. Tôi nhìn xung quanh, xa xa thấy nhiều nhà cũng đang quây quần bên bếp lửa và nồi bánh chưng, cảm giác thật bồi hồi và ấm áp làm sao.

Ngồi phụ gói bánh Tét tôi được dịp học hỏi và rèn luyện thêm cho mình sự khéo léo, cần thiết người Việt Nam. Ảnh Thùy Dương

Những ngày sum họp thật ý nghĩa khi tôi được nghe các bà, các cô kể chuyện về nguồn gốc của bánh tét, bà nói bánh tét không chỉ đơn thuần là món ăn ngon trong nhịp Tết mà nó còn mang ý nghĩa tốt đẹp về sự phồn thịnh, về tình cảm gia đình yêu thương, gắn bó. Đêm đến tụi con nít xúm xít ngồi bên bếp lửa bập bùng chờ bánh chín và đợi đón giao thừa, trong cái không khí se lạnh cuối năm cùng làn hơi nhẹ mỏng thơm lừng tỏ ra từ những đòn bánh tét, như phả vào lòng người vui ấm.

Công việc nấu bánh tét ngày Tết đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc hớn hở, vui mừng khi chứng kiến cảnh gói bánh tét ngày Tết, từ công đoạn chuẩn bị đến công đoạn nấu bánh. Đó là khoảng thời gian tôi thấy vui vẻ nhất, bởi đôi khi vào ngày Tết, không khí trong nhà cũng không nhộn nhịp như lúc đấy. Cảnh mọi người cùng sum vầy bên nhau, cùng làm việc và tạo thành những chiếc bánh tét thơm ngon, cảm giác thật sự hạnh phúc. 

Không những vậy, tôi còn cảm thấy vui hơn khi tự mình chứng kiến và trải nghiệm một chút về cách làm bánh. Nhìn mọi người gói bánh, tôi nhận ra công việc này không khó, chỉ cần khéo léo, tỉ mỉ một chút thì sẽ gói được bánh đẹp. Qua đây, tôi cảm nhận được truyền thống văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua cảnh gói bánh tét. 

 

You may also like

Leave a Comment