Những ngày cuối năm, thời tiết dần se lạnh, miền Nam bắt đầu đón những cơn mưa phùn, gió bấc làm xác xơ cành lá rụng rơi.Bấy giờ cũng là thời điểm nhà nhà người người bắt đầu nhặt bỏ lá mai, nhường chỗ cho những chồi non hé nụ đưa hoa đón xuân về.
Ở vùng quê miền Nam, thường vào ngày 10 tháng Chạp hàng xóm sẽ réo nhau tuốt lá mai, nhà này í ớ qua nhà bên cứ thế vừa tuốt vừa nói chuyện rôm rả. Nhà nào ở xa xóm làng thì vợ chồng, con cái cùng nhau làm. Còn đối với những gia đình có trồng cả một vườn thật nhiều mai hoặc trong sân nhà có “cụ mai nhiều tuổi” sum suê cành lá thì phải kéo cả đàn cháu, rủ thêm vài người bà con đến phụ mới làm xuể.
Coi vậy chứ người trồng mai cũng phải thông tường thời tiết, tháng cuối năm mà trời lạnh quá thì lá mai phải được tuốt sớm, nước cũng được chăm bón cẩn thận, còn thời tiết ôn hòa thì cứ từ ngày 10 đến rằm tháng Chạp sẽ là thời điểm thích hợp để rũ bỏ lớp lá cũ cho cây mai trước sân nhà.
Trong thời buổi mà thứ gì cũng nhanh, cũng vội thì có lẽ nhiều người trẻ không mấy thích thú với việc phải đứng đến mỏi chân để tuốt từng chiếc lá. Nhưng người lớn tuổi thì không như vậy, có lẽ do họ đã quá quen với thời gian, họ không còn vội vã mà biết tận hưởng cuộc sống.
Một lần cùng bà tuốt lá mai, bà bảo với mình: “tuốt lá cũng như cuộc đời chúng ta vậy, từng chiếc lá rơi là một khoảng thời gian trôi đi, chậm rãi mà tuốt hay vội vã thì chúng cũng sẽ đều rời đi, vậy sao chúng ta không chậm thôi để cảm nhận nhịp rơi của lá, của thời gian. Con mà vội thì như những chiếc lá sót lại trên cây, con đã bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp nào đó của cuộc đời mình rồi”.
Để cho đời vẻ đẹp lay động lòng người, cây mai phải chấp nhận bỏ đi lớp áo xanh, để ngày đầu năm trao tặng cho đời những bông hoa vàng rực rỡ, hương thơm ngào ngạt réo gọi ong bướm du xuân ghé chơi. Gia chủ cũng vì thế mà vui mừng, hoa mai nở vàng ươm khắp khoảng sân tượng trưng cho việc lộc đến nhà, sung túc ấm no.
Nhìn vào đấy chúng ta cũng có thể thấy được rằng cuộc sống cũng như thế, để có được điều tốt đẹp chúng ta phải biết bỏ đi những điều quen thuộc nhưng gây ảnh hưởng xấu.
Nếu lá ở lại, có lẽ mai vẫn nở, nhưng sẽ không nhiều và đẹp. Cây mai chịu cơn đau để khoác lên mình bộ áo đẹp, vậy chúng ta thì sao?
Mùa xuân hoa lá đều đơm hoa, kết trái, chúng ta cũng gấp gọn lại những điều đã cũ, chuẩn bị một tâm hồn đẹp sống một đời hoa, lung linh, đầy kiêu hãnh.