Cùng ngồi điểm lại các dịp Tết tại Việt Nam nhé! Ngoài Tết Nguyên Đán có tới 11 ngày Tết khác, bạn có biết hết chưa?
Xem thêm:
- Đem Tết Trung Thu về với trẻ em miền Đông Nam Bộ
- “Mùa xuân cho em” mang ấm áp về với học sinh khó khăn tỉnh Đồng Nai
Việt Nam chúng ta là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Trải qua bề dày lịch sử cùng sự đa dạng của các anh em dân tộc, chúng ta đã có được một nền văn hóa đa màu sắc nhưng vẫn luôn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Như đã biết, vào ngày 1/1 âm lịch hằng năm, người Việt Nam sẽ chào đón một năm mới với tên gọi là Tết Nguyên Đán. Đây được xem như là một sự khởi đầu cho một năm mới theo âm lịch. Và ít ai biết rằng, ngoài Tết Nguyên Đán thì văn hóa người Việt của chúng ta còn có đến 11 cái tết khác nhau.
Tết Khai Hạ – Mùng 7 tháng Giêng âm lịch
Theo văn hóa dân gian Việt Nam, vào ngày 23 tháng Chạp, chúng ta sẽ đưa tiễn ông Táo về trời để báo cáo “sự tình” trong năm qua cho Ngọc Hoàng. Do đó, người dân phải dựng cây Nêu nhằm bảo vệ ngôi nhà trong lúc các vị thần này về trời. Sau đó, đến mùng 7 tháng Giêng, người ta sẽ hạ cây Nêu xuống nhằm đón ông bà và các vị thần linh trở lại ngôi nhà để chúng ta thờ cúng.
Lịch sử nguồn gốc của lễ Khai Hạ được bắt nguồn từ phong tục dựng cây Nêu đón Tết của người Việt cổ. Ý nghĩa của loại cây này là mang đi những thứ không may mắn của năm vừa qua, đuổi tà ma đi để những điều tốt đẹp năm mới sẽ đến, gia đình sẽ đón một năm bình an.
Tết Nguyên Tiêu – Rằm tháng Giêng
Đây là một ngày lễ cổ truyền tại Trung Quốc, du nhập về Việt Nam và được gọi là lễ Thượng Nguyên, tuy nhiên nhiều người vẫn thường gọi nó bằng tên gốc là Tết Nguyên Tiêu. Ngày nay tết Nguyên Tiêu được gọi với các tên khác nhau như hội hoa đăng, lễ hội đèn hoa.
Một số người quan niệm Tết Nguyên Tiêu đánh dấu kết thúc của Tết Nguyên Đán. Ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới thường được người Việt Nam xem là ngày lành, người ta thường đi chùa cầu may mắn và an lành trong dịp Tết Rằm tháng Giêng này.
Tết Hàn Thực – Mùng 3 tháng 3 âm lịch
“Hàn thực” nghĩa là “ăn đồ lạnh”. Tuy nhiên ở Việt Nam, vào ngày Tết Hàn Thực, người ta thường làm những chén bánh trôi nước, bánh chay để cúng ông bà tổ tiên. Ngoài ra, Tết này còn được người dân gọi là Tết bánh trôi – bánh chay.
Dịp Tết này phổ biến hơn các các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh gần Hà Nội.
Tết Thanh Minh – Ngày 6 tháng 3 đến ngày 20 tháng 3 âm lịch
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
Hai câu thơ Kiều quen thuộc này như đã lột tả những hoạt động của Tết Thanh Minh cũng như tầm quan trọng của dịp lễ này.
Tiết trời tháng ba, không khí mát mẻ, mùa xuân cây cối đâm chồi nở lộc, cũng là dịp để những người thân trong gia đình hướng về cội nguồn, nhớ về tổ tiên và dọn dẹp khu vực mộ của người đã khuất như một hành động tưởng nhớ.
Tuy nhiên, đối với một số tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Nam, lễ Thanh Minh thường diễn ra vào những ngày cận Tết (từ khoảng 24 đến 29 âm lịch). Vì đây là những ngày con cháu ở xa về quê chuẩn bị ăn Tết, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, gia đình sẽ cùng nhau quét dọn mộ phần của ông bà tổ tiên để thể hiện lòng hiếu thảo.
Tết Đoan Ngọ – Ngày 5 tháng 5 âm lịch
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm.
Đây còn được gọi là ngày Tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, người ta thường ăn bánh ú, bánh tro, uống rượu nếp, chè trôi nước,… vì theo quan niệm từ xưa, khi sử dụng các loại thức ăn, đồ uống này, sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị tiêu diệt hết.
Theo quan niệm của ông cha ta xa xưa, vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, các loại sâu bọ ký sinh trong bụng sẽ “ngoi” lên, do đó đây là thời điểm được tận dụng để “triệt tiêu” chúng.
Tết Trung Nguyên – Ngày rằm tháng 7 âm lịch
Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng 7 là tết xá tội vong nhân, dịp này các vong nhân không nơi nương tựa sẽ được giúp đỡ. Tuy nhiên có nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của dịp lễ này. Theo Đạo giáo Á Đông, vào ngày này, các đạo quán lập trai tiếu để tỏ lòng hiếu thuận với bậc sinh thành bằng cách làm nghi thức bông hồng cài áo để nói về lòng hiếu thảo của con cái. Bên cạnh đó là giúp đỡ các linh hồn không có chốn dung.
Do đó, vào ngày này người ta thường làm những mâm cúng rất lớn, một mâm cúng ông bà, tổ tiên, một mâm cúng cho cô hồn chúng sinh.
Tết Trung Thu Ngày rằm tháng 8 âm lịch
Ở Việt Nam, Tết Trung thu chủ yếu nghiêng về thiếu nhi với các văn hoá như sự tích chú Cuội, lũ trẻ rước lồng đèn khắp xóm làng hát vang lời “Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh…”, mâm cỗ với trái cây và không thể thiếu cả bánh trung thu.
Không chỉ vậy, Rằng tháng Tám này cũng là dịp người Việt cảm tạ trời đất, mong một mùa màng bội thu và một ý nghĩa khác là đoàn viên, gắn kết các thành viên trong gia đình.
Tết Trùng Cửu Ngày 9 tháng 9 âm lịch
Giống như tên gọi, Tết Trùng Cửu rơi vào ngày 9 tháng 9 âm lịch với hai con số 9. Theo văn hóa người Á Đông thì số 9 tượng trưng cho sự may mắn, giàu mạnh, do đó người ta chọn ngày 9 tháng 9 như là một ngày cầu cho sự trường thọ, sống lâu, sức khỏe dồi dào.
Ý nghĩa của cái tên này cũng hết sức độc đáo: “Tạm biệt thảm cỏ xanh”. Ngụ ý ở đây là mùa thu đến, cỏ không còn màu xanh nữa nửa do tiết trời chuyển thu và Tết Trùng Cửu là ngày cuối cùng để chúng ta có thể vui chơi trước khi mùa đông đến.
Dịp Tết này được du nhập từ Trung Quốc lâu đời, hiện nó đã dần mai một với thế hệ mới.
Tết Trùng Thập Ngày 10 tháng 10 âm lịch
Tết Trùng Thập hay còn gọi là Tết Thầy Thuốc. Quan niệm xa xưa cho rằng ngày 10 tháng 10 âm lịch là ngày lành, tháng tốt, cây thuốc được âm dương hội tụ, kết thành thảo dược của bốn mùa.
Ý nghĩa của dịp Tết này mỗi vùng miền lại có nét đặc trưng, đôi khi lại có sự khác biệt. Một số vùng nông thôn lại thường làm bánh dày, thổi cơm lam, luộc gà cúng tổ tiên và mừng và mong cho mùa màng bội thu. Ngoài ra, người ta cũng làm những mâm chè kho, làm bánh để cúng gia tiên và tặng cho hàng xóm hoặc họ hàng thưởng thức.
Tết Hạ Nguyên – Ngày 15 tháng 10 âm lịch
Tết Hạ Nguyên hay còn gọi là Tết Cơm Mới, rơi vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Vào ngày này, người ta sẽ nấu những loại gạo mới dân lên tổ tiên, cầu mong tất cả mọi điều đều thuận lợi, tốt lành, cũng coi như là tự thưởng cho mình sau những tháng ngày cày cuốc.
Các hoạt động khác diễn ra trong Tết Hạ Nguyên còn có biếu quà cho cha mẹ, những bậc được tôn kính để thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn; đi lễ chùa và dâng hương cầu bình an; cúng tổ tiên và thần Tam Bảo.
Tết Ông Táo Ngày 23 tháng Chạp âm lịch
Ngày Tết này còn gọi là ngày đưa ông Táo về trời, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp. Một số nơi còn gọi đây là Tết Ông Công. Người Việt quan niệm 3 vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Vào ngày này, lễ cúng sẽ được bày biện thịnh soạn và không thể thiếu cá chép vì người Việt cho rằng ông Táo cưỡi cá chép lên trời.
Mâm cúng Tết ông Công – Tết ông Táo của 3 vùng miền không giống nhau do sự khác biệt văn hoá. Dù phong tục tập quán mà mỗi nơi có một cách chuẩn bị khác nhau nhưng đây cũng là một trong những thời khắc rất thiêng liêng, ý nghĩa trong năm của người dân Việt Nam.
Tết Nguyên Đán và 11 ngày Tết trong năm, mỗi dịp đều có một ý nghĩa sâu sắc. Tuy một số ngày đã không còn phổ biến ở thời đại hiện nay, đã dần mai một và chỉ còn trong lời kể của những người đi trước nhưng đó vẫn là những văn hoá lâu đời, góp phần tô điểm lên bản sắc của Việt Nam.
Lút Ham