Cứ đến tết Trung thu là có bánh Trung thu. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc nguồn gốc lâu đời thực sự của văn hoá này từ đâu mà có?
Xem thêm:
Nhắc đến Tết Trung thu là chúng ta nghĩ ngay đến Tết Đoàn Viên. Vào dịp Rằm tháng Tám này, bánh trung thu được bày bán nhiều ở khắp mọi nẻo đường, ai nấy đều mua vài chiếc bánh trung thu về để cúng rằm và ăn cùng gia đình. Theo quan niệm từ xa xưa, phá cỗ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi loại bánh này. Không chỉ mang đến giá trị ẩm thực, bạn có bất ngờ không khi bánh trung thu còn là giá trị văn hoá có tuổi đời lên đến hơn 1000 năm.
Loại bánh nướng bắt nguồn từ Trung Quốc
Trước khi được gọi bằng cái tên quốc dân như bây giờ, bánh trung thu được biết có từ thời nhà Tống (960–1279 sau Công nguyên) với tên gọi là yue bing (月饼) trong tiếng Trung Quốc. Sau đó dưới thời nhà Đường (873–888 sau Công nguyên) nó được gọi với các tên gọi khác như yue tuan (月 团) và xiao bing (小饼). Loại bánh nướng này ở những thế kỷ trước được coi như một lễ vật cúng cho thần mặt trăng, cúng cho các học giả và gắn liền với các lễ hội.
Tuy nhiên phong tục làm và ăn bánh trung thu thực sự trở nên phổ biến vào thời nhà Minh (1368–1644 sau Công nguyên).
Theo các giai thoại lưu truyền từ Trung Quốc, bánh trung thu được coi là bánh vầng trăng (Nguyệt Bính). Hình dạng phổ biến nhất là hình tròn ép bởi khuôn, đường kính khoảng 4 inch và dày khoảng 1,5 inch, tượng trưng cho sự viên mãn, đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Lớp vỏ bánh thường có các ký tự Trung Quốc mang ý nghĩa tốt lành như trường thọ, đoàn viên, phúc, lộc, bình an,… Đối với văn hoá Trung, một chiếc bánh nên được cắt thành 4 phần chia nhau thưởng thức thay vì ăn nguyên một chiếc bánh một mình.
Sự tích bánh trung thu dựng nên một triều đại mới
Vào thời nhà Minh, bánh trung thu trở thành món bánh thưởng trà không thể thiếu vào những ngày Rằm tháng Tám.
Theo các lưu truyền kể lại, bánh trung thu vào những năm thế kỷ 14 là “công cụ” lật đổ triều đại Nguyên – Mông. Sự tích đó nhắc đến các nhân vật ông Chu Nguyên Chương, ông Lưu Bá Ôn dấy binh khởi nghĩa. Để kêu gọi khởi nghĩa bí mật, hai người đã nghĩ ra một loại bánh đầy ắp nhân bên trong nhằm nhét mảnh giấy nhỏ lẫn lộn vào mà không bị phát hiện.
Cuộc nổi loạn diễn ra trong đêm 15/8 âm lịch, bánh bán rộng rãi đã giúp cuộc khởi nghĩa được hưởng ứng và thành công. Sự kiện này mở ra chương mới cho triều đại nhà Minh, cột mốc lịch sử đó được ấn định là Tết Trung thu của Trung Quốc. Cứ đến Rằm tháng Tám, người ta lại nướng loại bánh đó để kỷ niệm cuộc cách mạng.
Ý nghĩa bánh trung thu ở Việt Nam
Không thể khẳng định chính xác Tết Trung thu có du nhập về Việt Nam hay không bởi ý nghĩa chào đón đêm Rằm tháng Tám của Việt Nam không hoàn toàn giống Trung Quốc.
Tết Trung thu xuất hiện ở Việt Nam khi nào cũng không có câu trả lời chính xác, chỉ biết là trong sách Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính đã từng ghi: “”Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi…”.
Ở Việt Nam, Tết Trung thu chủ yếu nghiêng về thiếu nhi với các văn hoá như sự tích chú Cuội, lũ trẻ rước lồng đèn khắp xóm làng hát vang lời “Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh…”, mâm cỗ với trái cây và không thể thiếu cả bánh trung thu. Nếu người Trung Quốc coi Trung thu là ngày lễ nhớ về chiến thắng cách mạng lịch sử thì Rằm tháng Tám với người Việt là lúc cảm tạ trời đất, mong một mùa màng bội thu và một ý nghĩa khác là đoàn viên, gắn kết các thành viên trong gia đình.
Bánh trung thu ở ta được làm với hình dạng hình vuông tượng trưng cho đất, cho sự tự do, hạnh phúc. Hình tròn tượng trưng cho mặt trăng mặt trời, sự tròn đầy để hiện mong cầu cuộc sống viên mãn, sung túc của gia đình.
Các hương vị ngày càng sáng tạo
Ngày nay đáng ứng nhu cầu đa dạng của người dùng, bánh trung thu được cách tân vô cùng mới mẻ, sáng tạo nhưng vẫn giữ được ý nghĩa, hồn cốt của đặc sản đêm Rằm.
Ngoài bánh nướng truyền thống và bánh dẻo người ta kết hợp nhiều nền ẩm thực tứ xứ tạo nên nhiều loại bánh như bánh trung thu rau câu, bánh trung thu tiramisu,… hay thậm chí kết hợp nhân bánh mochi của Nhật Bản. Từ nhân đến vỏ bánh đều có thể thay đổi nhờ sự kết hợp tài tình của các thợ làm bánh, cho ra thị trường bánh trung thu đa dạng, nhiều lựa chọn.
Bên cạnh đó, bánh trung thu ngày nay còn được chú tâm đến vấn đề sức khỏe thực phẩm khi người dùng có nhu cầu giảm lượng đường xuống đáng kể.
Không chỉ xuất hiện tại văn hoá phương Đông, bánh trung thu giờ đây còn được bán phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi dịp lễ này tới “thế giới những người ăn bánh trung thu” lại chia thành hai phe đậu xanh và thập cẩm, giờ đây cuộc “chia cắt” đó đã giảm đi nhiều nhờ có vô số vị bánh khác nhau. Còn bạn thì sao? Phong tình nguyệt lãng, bên cạnh người thương, nóng tách trà, vị bánh nào bạn chọn?
Lút Ham